An Giang ứng phó chủ động với thiên tai

25/07/2024 - 06:33

 - Khi trạng thái El Nino (pha nóng) kéo dài và chuyển sang La Nina (pha lạnh), diễn biến thời tiết càng phức tạp. Sau những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục, tình hình mưa bão, giông lốc diễn biến nguy hiểm, khó lường hơn, đòi hỏi sự chủ động trong công tác ứng phó.

Mưa giông gây thiệt hại nhà cửa của người dân

Mưa giông nguy hiểm

Từ đầu mùa mưa đến nay, vùng biển Đông của Việt Nam đã đón 2 cơn bão. Dù cả bão số 1 và bão số 2 đều đi vào hướng đảo Hải Nam (Trung Quốc), nhưng hoàn lưu bão kết hợp với gió mùa Tây Nam đã gây thời tiết xấu trên nhiều vùng biển của cả nước, kể cả vùng biển Tây Nam vốn ít chịu ảnh hưởng của bão. Đối với An Giang, hoàn lưu bão gây mưa lớn, giông lốc, làm ảnh hưởng đến nhà cửa và sản xuất của người dân.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/6/2024, ước thiệt hại do thiên tai trên địa bàn An Giang hơn 3,73 tỷ đồng. Trong đó, 22 vụ mưa giông làm 203 căn nhà bị sập, tốc mái, đứt đường dây điện, tốc mái 5 nhà ghe; làm 1 người bị cây ngã đè chết trên địa bàn huyện Chợ Mới; thiệt hại 8,33ha rau, màu và 0,4ha chuối sáp bị đổ ngã trên địa bàn huyện Phú Tân... với tổng thiệt hại hơn 3,43 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 17 vụ sạt lở, sụp lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài 697m, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm 2023; ước thiệt hại về đất khoảng 300 triệu đồng.

Cùng với triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, tăng cường truyền thông, diễn tập nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong cộng đồng, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024, với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh đăng tải các thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh, tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa với các loại hình thiên tai trên Zalo của Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS AG và trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh An Giang”, thu hút 5.182 lượt theo dõi.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 9 quyết định hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa giông, sạt lở từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai, với tổng kinh phí gần 8,28 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ 209 căn nhà và 461,7ha lúa, màu bị thiệt hại do giông lốc trên địa bàn huyện An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, TX. Tịnh Biên, tổng kinh phí gần 2,65 tỷ đồng; hỗ trợ gia cố sạt lở tại TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên gần 5,63 tỷ đồng.

Mưa giông gây đổ ngã cây xanh

Thường xuyên theo dõi, ứng phó

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, trong khoảng từ tháng 7 - 9, có sự chuyển pha của dao động mùa từ trung tính sang La Nina và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên mưa có xu hướng tăng, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5 - 10%. Từ tháng 10 - 12, tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 10 - 15%. Mùa mưa kết thúc muộn hơn TBNN, khoảng nửa đầu tháng 12/2024. Sau khi mùa mưa kết thúc, vẫn còn khá nhiều ngày có mưa trái mùa trong những tháng mùa khô cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Do lượng dòng chảy từ sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN nên dự báo năm nay lũ thấp. Đỉnh lũ tại Tân Châu có khả năng ở mức xấp xỉ và dưới báo động 1 từ 0,1 - 0,3m. riêng tại xã Khánh An (huyện An Phú) và TP. Châu Đốc có khả năng cao hơn BĐ1 khoảng 0,1 - 0,2m, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 từ 0,1 - 0,2m.

Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐ1, riêng các trạm Vọng Thê, Vĩnh Hanh, Núi Sập có khả năng xấp xỉ BĐ2, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 khoảng 0,1 - 0,2m, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,1 - 0,4m. Đối với vùng hạ lưu, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao có khả năng xấp xỉ BĐ2; trên rạch Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) trên BĐ2 từ 0,15 - 0,25m; trên sông Hậu tại TP. Long Xuyên trên BĐ3 từ 0,1 - 0,2m. Đỉnh lũ các trạm xuất hiện khoảng giữa đến cuối tháng 10/2024.

Do ảnh hưởng các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng, mực nước trên các sông, kênh, rạch trong phạm vi tỉnh sẽ lên nhanh và ở mức cao trong các tháng 9 - 12/2024. Do đó, cần đề phòng khả năng gây ngập lụt, úng tại các khu vực có địa hình trũng, thấp, vùng ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại TP. Long Xuyên.

Ông Lương Huy Khanh cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, ngành chức năng sẽ tăng cường thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời về mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, diễn biến lũ lớn, lũ lên nhanh... trên báo, đài tỉnh và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, đảm bảo thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa để chủ động có phương án ứng phó.

Các cấp, ngành, địa phương, nhất là xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra các biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý, nhằm đề phòng mưa, giông, lốc xảy ra gây thiệt hại tính mạng và tài sản Nhà nước, Nhân dân.

Đồng thời, chủ động quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, các trạm bơm để bơm tiêu chống úng khi có mưa lớn kéo dài, vận hành kiểm soát lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại nông nghiệp do ngập úng.

Các địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống, ứng phó thiên tai ở cơ sở, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để chủ động ứng phó tình huống cấp bách theo phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ đầu.

NGÔ CHUẨN