An Giang ứng phó sạt lở - cần giải pháp căn cơ và lâu dài

28/07/2023 - 04:14

 - Chỉ trong nửa năm 2023, số vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn An Giang đã tăng gấp 3 lần năm 2022. Sạt lở trở thành nỗi ám ảnh của người dân, doanh nghiệp, cũng là nỗi lo, sự trăn trở của ngành chức năng và chính quyền các cấp. Cần giải pháp căn cơ để ứng phó lâu dài với sạt lở, trong đó phải thay đổi tập quán sống ven sông; quy hoạch hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng, chợ… xa bờ sông, kênh, rạch.

Ám ảnh sạt lở

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã có ý kiến thống nhất với báo cáo và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Trong Báo cáo 204/BC-SNNPTNT, ngày 21/6/2023, do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Duy ký, đáng lưu ý với con số toàn tỉnh xảy ra 44 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 2.188m (huyện đầu nguồn An Phú 17 điểm, 887m; các huyện Chợ Mới 10 điểm, 455m; Tri Tôn 3 điểm, 185m; Châu Phú 2 điểm, 45m; Thoại Sơn 1 điểm, 31m; TP. Long Xuyên 6 điểm, 351m; TX. Tân Châu 5 điểm), ảnh hưởng 79 căn nhà.

Số liệu này thống kê từ đầu năm đến thời điểm báo cáo (ngày 21/6/2023); còn tính đến đầu tháng 7/2023, con số sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn An Giang đã là 53 vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến 87 căn nhà cần di dời khẩn cấp. Đây là con số đáng báo động, bởi cùng kỳ năm 2022, chỉ xảy ra 15 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 757m, ảnh hưởng 12 căn nhà.

Dù đã được hưởng chính sách tái định cư, hiện có cuộc sống mới ổn định, nhưng những gia đình như hộ ông Nguyễn Thành Quang, hộ bà Hồ Thị Nga (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) vẫn chưa quên nỗi ám ảnh sạt lở. Từ vết nứt nhỏ trong nhà, chỉ trong 2 ngày, khi chưa kịp tháo dỡ nhà chuyển đi, thì toàn bộ 600m2 đất, cùng 4 căn nhà của cha mẹ, anh em ông Nguyễn Thành Quang đã chìm sâu dưới lòng sông Hậu.

Với bà Hồ Thị Nga, do quan niệm sống gần sông tiện lợi nên trước đây, gia đình bà mua đất cặp sông, rồi cất nhà chồm ra khỏi bờ, định gắn bó lâu dài. Đùng một cái, sạt lở diễn ra nhanh chóng, khu vực bà ở được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao. Được địa phương vận động, gia đình bà Nga di dời vào khu tái định cư phường Bình Đức, nơi ở cũ biến thành bờ kè giữ đất. “Tôi mua nền nhà 74m2, giá hơn 130 triệu đồng, trả chậm nhiều năm. Tuy việc mua bán thức ăn có phần khó khăn hơn trước, nhưng bù lại, cả nhà tôi sống yên tâm hơn, không còn phập phồng lo sợ bị sạt lở bất cứ lúc nào” - bà Nga trần tình.

Diễn biến nguy hiểm

Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Huỳnh Văn Thái cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT tiến hành đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở bờ sông 2 đợt/năm (vào mùa khô - tháng 4 và mùa mưa - tháng 11) và đo đạc sạt lở đột xuất khi cần thiết.

Theo kết quả quan trắc đợt I/2023, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 181,54km. Trong đó có 5 đoạn ở mức độ bình thường, 46 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, gồm: Đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu), dài 6,9km, trong đó sạt lở mạnh thuộc ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4,4km; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1,9km, kéo dài từ vàm kênh Cây Dương đến bến phà Năng Gù, trong đó trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học "A" Bình Mỹ (điểm 2); đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3,3km; đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân) dài 3,1km, thuộc ấp Phú Quới; đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông, dài 3,6km (điểm cuối là chùa Liên Hoa).

Dù số đoạn sông cảnh báo sạt lở của Sở TN&MT không tăng, nhưng tình hình sạt lở từ đầu năm đến nay diễn biến rất phức tạp. Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Long Xuyên Bùi Thị Hoa Lài cho biết, chỉ tính từ tháng 4 đến đầu tháng 6/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 8 vụ sạt lở lớn nhỏ, ở 7/11 phường, xã. Có đoạn sạt lở hở hàm ếch tuyến kênh, có nơi sạt vào đường nhựa hiện hữu, hoặc răn nứt ảnh hưởng hàng chục nhà dân, kho gạo…

Đâu là nguyên nhân?

Trước diễn biến sạt lở phức tạp, có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân do khai thác cát quá nhiều, lượng cát không bù đắp kịp, khiến con nước “ăn” vào bờ, gây sạt lở. Tuy nhiên, điều này chỉ mới đúng một phần.

Ghi nhận những năm gần đây cho thấy, sạt lở không chỉ xảy ra ở những đoạn cảnh báo nguy hiểm trên sông Tiền, sông Hậu, mà còn len lỏi vào các tuyến kênh, rạch nhỏ hơn, đặc biệt là tuyến kênh nội đồng. Trong khi đó, khai thác cát chủ yếu diễn ra tại các mỏ trên sông Tiền, sông Hậu.

Điển hình như vụ sạt lở tại đường lộ nhựa liên xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), “ăn” vào nửa mặt đường Võ Văn Hoài. Theo kết quả quan trắc cho thấy, địa hình đáy sông tại đây xuất hiện hố sâu -10m đến -12m, cách bờ 20m, lạch sâu (dài 150m, rộng 20m). Kênh Rạch Giá - Long Xuyên vốn không khai thác cát, vậy nguyên nhân xuất hiện hố sâu, lạch sâu và sạt lở bờ đến từ nguyên nhân khác.

“Lợi dụng đoạn cua cong, lòng sông rộng, rất nhiều sà lan lớn, chuyên chở hàng hóa nặng đã chọn khu vực này để quay đầu. Do sử dụng động cơ lớn, nên máy đạp nước vào bờ rất mạnh. Bên cạnh đó, từ khi tuyến đường dọc bờ sông được láng nhựa, lượng xe tải lưu thông nhiều hơn, gây áp lực lớn lên bờ. Có thể do hoạt động quá mức của các phương tiện thủy, bộ là nguyên nhân gây sạt lở” - ông Lý Thanh Phong (người có nhà ngay đoạn sạt lở thuộc tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh) lý giải.

Kết quả quan trắc của Sở TN&MT cũng phù hợp với nhận định của người dân, khi tại đoạn sạt lở xã Mỹ Khánh giữa tháng 6 vừa qua, dòng chảy rất gần bờ, vách sạt thẳng đứng, kết cấu là cát, liên tục vỡ và rơi xuống khi gặp sóng, mưa, phương tiện đường thủy, bộ lưu thông.

“Theo tôi, giải pháp lâu dài, hữu hiệu để ứng phó sạt lở là tính toán mở mới các đường dân sinh, giảm áp lực cho những đường cũ không còn đáp ứng yêu cầu; xử lý dứt điểm tình trạng hộ dân kè kiên cố, lấn chiếm lòng kênh, rạch” - Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Long Xuyên Bùi Thị Hoa Lài đề xuất

Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Long Xuyên Bùi Thị Hoa Lài cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhiều con đường ở TP. Long Xuyên nằm cạnh kênh, rạch, sông, qua thời gian dài, địa hình đáy sông dần thay đổi; mật độ và tải trọng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) An Giang Huỳnh Văn Thái, nguyên nhân sạt lở đến từ yếu tố tự nhiên và con người. Về tự nhiên, diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo. Tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều và nhiều dòng sông giao nhau, làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy.

“Về yếu tố con người, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...); dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê-tông kiên cố, xây dựng công trình, kho, bãi, nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng, vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh” - ông Thái phân tích.

Giải pháp căn cơ

Ông Huỳnh Văn Thái cho biết, thời gian gần đây, ngoài các sông chính, sạt lở còn xảy ra nhiều ở các kênh, rạch nội đồng. Theo ghi nhận, dòng chảy do triều cường lên xuống, mực nước dao động khá lớn, chảy với tốc độ khá cao, lòng sông một số đoạn hẹp, mái bờ vách khá đứng, vật liệu gắn kết bờ yếu, ven bờ là đường giao thông, tuyến sông có mật độ phương tiện thủy đông đúc, trong đó phần lớn là sà lan và ghe tải trọng lớn thường xuyên di chuyển, áp lực sóng liên tục ảnh hưởng đến bờ.

Trong khi đó, với những đường lộ giao thông sát bờ sông, khi nâng cấp lên, lượng phương tiện lớn lưu thông nhiều, áp lực giao thông thủy, bộ gây ảnh hưởng đến tính ổn định đường bờ, dễ sạt lở. “Về lâu dài, cần có phương án di dời các đường lộ giao thông ra xa sông, giới hạn tải trọng hoặc thi công đường tạo mái ta-luy đảm bảo hệ số an toàn, không bị ảnh hưởng sạt lở bờ” - ông Thái đề xuất.

Để kiểm soát, kịp thời quan trắc, cảnh báo sạt lở, Sở TN&MT An Giang đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Dự án khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và đề xuất các giải pháp ứng phó, hạn chế mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lập website cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh (satlo.angiang.gov.vn), giúp việc đánh giá, quản lý, theo dõi diễn biến sạt lở trên địa bàn tỉnh nhanh, tiện lợi, có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả.

UBND tỉnh đã có Quyết định 26/2023/QĐ-UBND, ngày 16/6/2023 về ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT An Giang đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về sạt lở, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản.

Theo các chuyên gia, việc quan trắc, cảnh báo và xử lý khẩn cấp khi có sạt lở xảy ra chỉ là giải pháp cần thiết trước mắt. Về lâu dài, cần giảm tác động đến sạt lở do con người gây ra. Theo ông Huỳnh Văn Thái, đối với quy hoạch giao thông, chợ, khu dân cư, trung tâm hành chính… phải bố trí theo hướng xa bờ sông, giảm tác động lên bờ và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Một giải pháp căn cơ khác là cần quản lý chặt, xử lý nghiêm việc cất nhà cặp bờ sông, kênh, rạch, thay đổi tập quán sống ven sông; xây dựng các cụm, tuyến dân cư để bố trí người dân ở các vùng cảnh báo sạt lở vào định cư lâu dài. Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư là bài toán khó cho các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh, các dự án khu tái định cư cho hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở triển khai còn chậm so tiến độ; chi phí bồi thường đất nhiều, với các dự án nhóm C thì không thuộc đối tượng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đã kiến nghị Trung ương có chính sách đặc thù cho ĐBSCL, để tỉnh và các địa phương kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng tránh sạt lở lâu dài; ưu đãi các khoản thuế, tiền sử dụng đất, cho hưởng địa tô từ các công trình đầu tư công để sớm di dời dân cư vào vùng an toàn, tránh sạt lở trong điều kiện khó khăn về ngân sách.

NGÔ CHUẨN - GIA KHÁNH