Ăn măng tây có tác dụng gì?

18/10/2023 - 09:00

Chắc hẳn nhiều người chưa biết hết hoặc biết ít về tác dụng của măng tây, vậy măng tây có tác dụng gì?

Măng tây là thực phẩm quý giá, nguồn gốc từ châu Âu. Nó thường được sử dụng như một món ăn đơn thuần nhưng có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều dược tính. 

Thành phần dinh dưỡng của măng tây

Trên báo Sức khỏe và đời sống, bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa cho biết, măng tây là thực phẩm quý giá, có nguồn gốc từ châu Âu, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài chất xơ, đạm, glucid, các vitammin K, C, A, pyridoxine (B6), riboflavin (B2), thiamin (B1), acid folid, măng tây còn có các chất khoáng cần thiết cho cơ thể con người như kali, magnê, canxi, sắt, kẽm, tốt cho bà mẹ mang thai.

Cụ thể thành phần dinh dưỡng của măng tây:

Folate - một loại vitamin B để tổng hợp DNA
Vitamin K, tham gia trong quá trình đông máu và giữ cho xương khỏe mạnh
Kali, giữ cho dây thần kinh và cơ bắp được hoạt động bình thường
Vitamin C, chất chống oxy hóa giúp cho da, xương, các mô liên kết và cũng rất quan trọng để hấp thụ sắt
Vitamin A, là chìa khóa cho sự phát triển của xương, thị lực, sinh sản, các chức năng tế bào và hệ thống miễn dịch.

Ở nhiều nước châu Âu, măng tây được xem là loại 'rau hoàng đế' vì chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Vậy ăn măng tây có tác dụng gì?

Măng tây có tác dụng gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng tây là loại rau chứa nhiều dưỡng chất, mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và có thể được chế biến bằng nhiều cách khác nhau.

Tốt cho tim mạch

Do rất giàu potassium (kali) nên măng tây giúp điều hòa huyết áp. Thực phẩm này chứa nhiều folate nên giúp tim khỏe mạnh. Măng tây chứa rất nhiều chất xơ nên có thể giải tán đám cholesterol gây phiền nhiễu trong máu.

Tốt cho đường ruột

Măng tây chứa loại carbohydrate tên là inulin quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng. Inulin cũng giúp cho sự tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi cho đường ruột như Lactobacilli và Bifidobacteria. Do có nhiều chất xơ nên măng tây tác dụng nhuận tràng.

Tăng cường hệ miễn dịch

Măng tây là nguồn giàu chất xơ và protein – hai dưỡng chất có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Tốt cho hệ hô hấp

Rễ của măng tây giúp chữa ho, khản tiếng, đau cổ họng.

Măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều dược tính (Ảnh: Pixabay)

Chống viêm

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2.

Măng tây có tác dụng gì? Măng tây có thể giúp chữa bệnh viêm bàng quang, ngừa sỏi thận, mật.

Ngăn ngừa lão hóa

Măng tây chứa chất chống oxy hóa gọi là glutathione, tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời.

Ngăn ngừa loãng xương

Măng tây là nguồn dồi dào vitamin K, giúp cho quá trình đông máu nhanh hơn, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe của xương.

Tốt cho thai nhi

Do có chứa nhiều folate nên măng tây rất có lợi cho thai phụ, vì folate là loại vitamin cần thiết cần thiết cho việc hình thành ống thần kinh thai nhi, ngăn ngừa dị tật ở thai nhi.

Đẹp da

Măng tây chứa rất nhiều vitamin C và vitamin A. Đây là 2 chất kháng oxy hóa hàng đầu bảo vệ da vững vàng trước sự xâm lăng của những gốc tự do. Vitamin C còn giúp cho sự tổng hợp collagen. Collagen là một loại protein có tác dụng nâng đỡ da và ngăn ngừa sự lão hóa da.

Ngăn ngừa ung thư

Ung thư và các chứng bệnh có liên quan sẽ được giảm thiểu nếu bạn ăn nhiều măng tây. Chất glutathione – chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư – có nhiều trong măng tây.

Ngoài ra, tác dụng của măng tây như thông tiểu, lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau khi phụ nữ đang có kinh.

Măng tây có thể giúp giảm cân

Măng tây không chỉ có hàm lượng chất béo và calo thấp (32 calo trên một khẩu phần) mà còn nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan. Đây là lựa chọn tốt với người đang cố gắng giảm cân.

Cơ thể tiêu hóa chất xơ chậm nên giúp bạn cảm thấy no giữa các bữa ăn. 

Măng tây chứa nhiều chất chống oxy hoá

Theo website Bệnh viện Vinmec, măng tây - đặc biệt là măng tây tím chứa nhiều anthocyanins, giúp trái cây và rau màu đỏ, xanh và tím, đồng thời có tác dụng chống oxy hóa giúp cho cơ thể bạn chống lại các gốc tự do gây hại.

Khi chế biến măng tây, bạn cần cố gắng không để măng tây chín quá hoặc chín quá. Mặc dù nấu chín rau giúp kích hoạt khả năng chống ung thư, nhưng để luộc hoặc xào quá lâu có thể làm mất đi một số lợi ích dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nếu bạn nấu măng tây quá chín, các vitamin có thể bị mất đi vào nước, do đó chú ý sử dụng phần nước của món ăn thay vì bỏ chúng đi.

Lưu ý khi dùng măng tây

Dù mang nhiều lợi ích, nhưng cũng có một số nhóm đối tượng không phù hợp với măng tây. Sau đây là một số lưu ý bạn nên ghi nhớ khi sử dụng măng tây trong thực đơn hằng ngày:

- Dung nạp quá nhiều chất xơ từ măng tây sẽ làm giảm độ ẩm, khiến dạ dày khó chịu và ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của cơ ruột. Từ đó dẫn đến hiện tượng khó đi ngoài, đau bụng và táo bón.

- Một số người bị dị ứng với thành phần của măng tây gây ra các phản ứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, khó thở, chảy nước mũi, nổi phát ban ngoài da.

- Người bị huyết áp cao cũng không nên ăn măng tây vì chúng sẽ tương tác với thuốc điều trị làm hạ huyết áp mạnh nên rất nguy hiểm.

- Măng tây chứa nhiều lưu huỳnh nên dễ gây mùi hôi cơ thể (ở miệng, hôi nách hay các vùng khác) khi sử dụng số lượng lớn, hoặc ăn với tần suất liên tục.

- Người bị phù nề do chứng suy thận hoặc suy tim cũng không nên ăn măng tây vì có thể gây hại.

- Hoạt chất purin có trong măng tây cũng không phù hợp với người bị bệnh gout vì có thể gây đau khớp.

- Không nên luộc măng tây trong nồi sắt vì chúng có thể tạo phản ứng độc hại.

Với những công dụng tuyệt vời với sức khỏe kể trên, bạn hãy thường xuyên bổ sung măng tây vào thực đơn của gia đình của mình. Tuy nhiên, do thực phẩm này có thể gây hại nên bạn cần tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để nhận tư vấn khi thấy cơ thể xuất hiện bất thường. 

Theo VTC