Phát triển kinh tế
Năm qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng huyện An Phú triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất. Tổng sản lượng lương thực trong năm 230.000 tấn, đạt 110,6% kế hoạch, tăng 19.500 tấn so cùng kỳ năm 2020. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm thực hiện theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 04-KH/HU của Huyện ủy, với các mô hình nhà màng trồng dưa lưới, rau màu; nhà trồng nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất giống lươn đồng công nghệ cao; mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trong sản xuất lúa. Có 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Khánh An, Đa Phước, Khánh Bình); xã Phước Hưng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, 45/49 chỉ tiêu.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 570 tỷ đồng, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021, tăng hơn 4,9% so cùng kỳ 2020. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 4.800 tỷ đồng, đạt 93,2% so kế hoạch 2021, tăng 2,5% so cùng kỳ 2020. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ 2020. Toàn huyện có 28 danh mục công trình, kế hoạch vốn 146,880 tỷ đồng, đã triển khai thi công hoàn thành 12 công trình, đang thực hiện 15 danh mục công trình, 1 công trình không thực hiện. Ước giải ngân 122,817 tỷ đồng, đạt 83,6% kế hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang động viên lực lượng chống dịch COVID-19 tuyến đầu biên giới huyện An Phú
Ngành giáo dục đã thực hiện tốt công tác dạy và học, các đơn vị trường học thực hiện đúng và đủ chương trình, chất lượng giáo dục của các cấp học tiếp tục được củng cố theo hướng thực chất. Giải quyết việc làm cho 6.311 lao động, đạt 150% kế hoạch, tăng 1,28% so cùng kỳ 2020. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào chăm lo cho người có công với cách mạng, thực hiện chi đúng, đủ các chế độ cho 12.153 lượt đối tượng thụ hưởng, với tổng số tiền trên 19,8 tỷ đồng.
Đảm bảo an sinh xã hội
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đặc biệt vào cuối tháng 6 xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại thị trấn Long Bình. Với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Người dân đã nâng cao nhận thức về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới.
Hệ thống dân vận các cấp quan tâm theo dõi, nắm bắt tư tưởng, dư luận nhân dân để tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm, có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác vận động Quỹ Vì người nghèo. Đã vận động hơn 11,850 tỷ đồng, xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, bị thiệt hại do thiên tai.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn đóng góp để phân phối hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các lực lượng tuyến đầu biên giới, các khu cách ly tập trung, khu điều trị và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với tổng trị giá hơn 36,6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội.
Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Ngô Công Thức cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy quán triệt thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo phòng, chống dịch; thích ứng, linh hoạt, an toàn trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đặc biệt là các xã, thị trấn biên giới. Quan tâm thực hiện kịp thời công tác an sinh xã hội cho nhân dân; đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn huyện.
Đảm bảo “mục tiêu kép”
An Phú tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Năm 2022, huyện An Phú tiếp tục đổi mới và nâng chất các phong trào thi đua, các cuộc vận động; nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên. Phát huy sức mạnh khối đoàn kết dân tộc chăm lo công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Triển khai các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nghị quyết, kế hoạch, cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm huyện An Phú, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định rõ thời gian hoàn thành từng nội dung công việc theo lộ trình phù hợp; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng ngành, từng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Chương trình được xây dựng trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển huyện An Phú theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đóng góp tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ vào tổng thu của huyện.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH