Những chỉ báo tăng trưởng
Nổi bật của huyện An Phú là việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kết hợp cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả phấn khởi. Địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất và chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có 1.089 ha sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở 4 xã; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời 735 ha trồng lúa chất lượng cao. An Phú còn đầu tư 4 nhà màng (diện tích 4.506m2) và 4 nhà lưới (3.700m2) trồng các loại: dưa lưới, ớt, hành lá, ươm giống cây trồng… mang lại giá trị kinh tế cao. Hạ tầng phục vụ sản xuất được củng cố, toàn huyện có trên 200km kênh, mương, hơn 60km đường cộ, gần 100 cống, 143 trạm bơm tưới- tiêu… đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh An Giang dự lễ khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom
Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, tình hình KT-XH của huyện An Phú đạt được nhiều kết quả khả quan. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tổng giá trị sản xuất (GO) toàn huyện 3.469 tỷ đồng, trong đó chương trình phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai có hiệu quả; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển. Nhiều khoản thu ngân sách đạt kế hoạch, một số công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 41.723 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 260.463 tấn, tăng trên 14.000 tấn so năm 2016. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện phát triển vùng chuyên canh rau màu ở Phước Hưng, trồng xoài ở Khánh An, Vĩnh Lộc, thị trấn Long Bình… và đang hoàn tất hồ sơ để tiếp tục triển khai dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (WB9) ở 3 xã bờ đông sông Hậu (Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu).
Huyện từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh huyện biên giới, nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 495 tỷ đồng, tăng 11,7% so năm 2016. Doanh số toàn ngành thương mại - dịch vụ gần 11.000 tỷ đồng, tăng 11,84% so năm 2016, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa 2.850 tỷ đồng, tăng hơn 10%. Giá trị hàng hóa xuất-nhập khẩu qua biên giới đạt 505 triệu USD, tăng 10,1%. Phát triển mới 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, nâng toàn huyện có 934 cơ sở, với tổng vốn đầu tư 43,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.022 lao động. Song song với thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, chăm lo y tế, an sinh xã hội, An Phú giữ vững quốc phòng - an ninh. Toàn huyện có 44.269/ 44.960 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” (94,01%), 57/58 ấp văn hóa (98,28%), duy trì và nâng chất 28/34 ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới”, 115/122 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (94,26%), 8/8 chợ trật tự vệ sinh, văn minh.
Định hướng phát triển
Để phát triển KT-XH, huyện xác định hạ tầng và giao thông phải đi trước một bước. Phấn khởi lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Phú là được Trung ương đầu tư xây dựng cầu Long Bình - Chrey Thom kết nối tuyến đường bộ ngắn nhất từ An Phú đến thủ đô Pnom Penh (Campuchia) chỉ khoảng 1 giờ đi ôtô. Đây là cửa ngõ giao thương cho huyện đầu nguồn An Phú, là lợi thế phát triển của An Giang và ĐBSCL. An Phú có 3 cửa khẩu tiếp giáp với Campuchia, có mạng lưới chợ biên giới và các Trung tâm thương mại hoạt động nhộn nhịp… cùng với cầu Long Bình - Chrey Thom đã chính thức thông xe từ ngày 1-8-2017, tạo động lực thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển, với tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới mỗi năm tăng khoảng 10%. Đây là điều kiện tốt để huyện tăng cường kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Long Bình, khai thác du lịch búng Bình Thiên… và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Cùng với nâng cấp Quốc lộ 91C, Tỉnh lộ 957 và hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện, toàn huyện có 73 danh mục công trình đầu tư xây dựng, với tổng vốn hơn 137 tỷ đồng. Đến nay, đã thi công hoàn thành 58 danh mục công trình, đang thực hiện các công trình còn lại.
Để khai thác hiệu quả lợi thế biên giới và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH năm 2018, Bí thư Huyện ủy An Phú Huỳnh Thành Danh cho biết các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện: Trước hết, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Đẩy nhanh thực hiện các công trình trọng điểm và khai thác hiệu quả lợi thế biên giới. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Tập trung quản lý, khai thác đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại buổi làm việc với huyện An Phú về triển khai nhiệm vụ KT-XH năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi yêu cầu An Phú tiếp tục linh động trong lãnh đạo, điều hành để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu KT-XH năm 2018. Trong đó, lưu ý huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi diện tích từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao và nghiên cứu mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương tìm giải pháp kêu gọi đầu tư xây dựng chợ nông sản để đưa rau màu An Giang xuất sang Campuchia. Đối với Tỉnh lộ 957, phải quyết tâm tháo gỡ khó khăn để sớm hoàn thành, song song với đẩy nhanh xây dựng các công trình trọng điểm để khai thác thế mạnh kinh tế biên giới…
|
HỮU HUYNH