An Phú khẩn trương hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do giông lốc

05/11/2021 - 06:27

 - Trận mưa lớn kèm theo giông lốc tối 31-10 đã làm 37 căn nhà ở xã Quốc Thái và Phú Hữu bị tốc mái cùng nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu bị đổ ngã. Lãnh đạo xã và huyện An Phú (tỉnh An Giang) nhanh chóng có mặt, giúp người dân khắc phục thiệt hại và có chính sách hỗ trợ kịp thời...

Vào khoảng 19 giờ ngày 31-10, trên địa bàn huyện An Phú đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc làm thiệt hại nhiều căn nhà của người dân ở địa bàn xã Phú Hữu và Quốc Thái, cùng nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu bị thiệt hại. Thiên tai không ảnh hưởng về người nhưng tác động lớn đến đời sống người dân khu vực biên giới vốn còn nhiều khó khăn.

Vụ thiên tai tại xã biên giới Phú Hữu làm tốc mái 8 căn nhà (7 căn bị tốc mái hoàn toàn, 1 căn tốc mái một phần) của các hộ dân trên địa bàn ấp Phú Thành và Phú Hòa. Bên cạnh đó, do mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc đã làm ngã đổ 403 cây ăn trái các loại, như: xoài, mít, nhãn, vú sữa, 0,7ha chuối… của 14 hộ dân và 0,5ha bắp của 2 hộ dân trên địa bàn ấp Phú Hòa. Qua khảo sát, mức độ thiệt hại từ 60-100%.

Lãnh đạo huyện An Phú chia sẻ và giúp người dân khắc phục thiên tai

Ông Cao Văn Cường (ngụ ấp Phú Thành) cho biết: “Mưa lớn kèm theo giông gió xảy ra ban đêm nên rất khó khăn, nguy hiểm, mái nhà bị tốc hoàn toàn. Đồ đạc trong nhà bị mưa ướt hết, rất may không ảnh hưởng đến sức khỏe”. Do giông lốc làm đổ ngã nhiều cây ăn trái và rau màu, nên không chỉ thiệt hại nhà cửa mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của bà con.

“Địa phương khẩn trương hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp các vật dụng, cây đổ ngã, vệ sinh môi trường… Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại để đề xuất hướng hỗ trợ phù hợp cho bà con” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Hữu Trương Trí Thông cho biết.

Còn ở xã Quốc Thái là địa phương bị ảnh hưởng nhiều hơn, với 29 căn nhà, trong đó 8 căn tốc mái hoàn toàn và 21 căn tốc mái từ 30-50%, ước tổng thiệt hại khoảng 320 triệu đồng. Trong 29 hộ dân, có 1 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 9 hộ khó khăn, với 125 nhân khẩu… Ghi nhận của phóng viên, nhà dân hầu hết có kết cấu vách mái tole nên khó chống chịu với giông lốc, gió giật mạnh.

Sáng 1-11, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Phú Ngô Công Thức cùng lãnh đạo UBND, UBMTTQVN huyện đến thăm hỏi động viên và chia sẻ khó khăn đối với 36 hộ dân bị ảnh hưởng do giông lốc tại 2 xã Phú Hữu và Quốc Thái. Hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi hộ bị tốc mái nhà hoàn toàn, 1 triệu đồng đối với nhà tốc mái một phần.

Đồng thời, yêu cầu các ngành chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với 2 địa phương Phú Hữu, Quốc Thái khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, huy động lực lượng và các hội, đoàn thể tham gia khắc phục thiệt hại cho người dân và có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Chính quyền địa phương cùng với MTTQ, các đoàn thể đã hỗ trợ tiền mặt, gạo, mì gói và huy động lực lượng sửa chữa nhà cho bà con. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quốc Thái Mai Tùng Thiện cho biết, đến ngày 2-11, các lực lượng tại địa phương đã giúp người dân khắc phục, lợp xong 6 căn, đang khẩn trương hoàn thành các căn nhà còn lại; trong đó có 2 hộ đi làm ăn xa không có ở địa phương. Do đang trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác hỗ trợ đảm bảo tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

Ông Lý Văn Quỳ (sinh năm 1970) kể, mưa giông xảy ra rất nhanh, rất khó lường trước nên bị tốc mất mái che phía sau gian bếp và bên hông nhà. Gia đình có 4 nhân khẩu, bước đầu được địa phương chăm lo hỗ trợ nên cũng tạm ổn. Hiện, đang tận dụng vật liệu để sửa chữa lại những chỗ bị hư hỏng do giông lốc.

Trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: giông lốc, mưa lớn... Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện An Phú yêu cầu Ban Chỉ huy ứng phó của huyện và 14 xã, thị trấn rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị kịp thời bảo vệ và gia cố đê bao. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin thông báo đến người dân nhằm chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ.

Phân công cán bộ bám sát địa bàn để báo cáo tình hình mưa, lũ có ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi và hỗ trợ các xã, thị trấn về công tác chuyên môn; thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại các điểm xung yếu trên địa bàn. Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lương thực thực phẩm… thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

HỮU HUYNH