Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông
An Phú là huyện đầu nguồn sông Hậu, với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, có đường biên giới dài 42,5km (gần ½ chiều dài đường biên giới của An Giang tiếp giáp Campuchia). Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của huyện có những thay đổi đáng kể.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã xây dựng hoàn thành 26 cầu và hơn 41km đường giao thông; cùng với việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957 tạo thành 2 trục song song có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện; cầu Long Bình - Chrey Thom giúp cho An Phú đấu nối với Quốc lộ 21 của Vương quốc Campuchia. Đây là điều kiện quan trọng để huyện thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL - WB9) tại 3 xã bờ Đông sông Hậu (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu) với mục tiêu kiểm soát lũ tháng 8, sau khi hoàn thành sẽ góp phần ổn định kết cấu hạ tầng, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế, tăng thêm thu nhập. Cầu An Phú - Vĩnh Lộc đã có chủ đầu tư và sẽ sớm khởi công. Cùng với hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, đã hoàn thành hệ thống kênh tiêu của các tiểu vùng 5 xã bờ Tây sông Hậu và tiểu vùng Bắc Cỏ Lau. Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình được đẩy nhanh tiến độ…
21 chỉ tiêu đạt và vượt
Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá thực tế) ước đạt 707 tỷ đồng, đạt 98,19% kế hoạch, tăng 10,46% so cùng kỳ năm 2019. Toàn huyện có 976 cơ sở (10 doanh nghiệp tư nhân), tổng vốn đầu tư 49,7 tỷ đồng, với 2.123 lao động. Tổng mức bán lẻ dịch vụ ăn uống, lưu trú ước 4.800 tỷ đồng (tổng mức bán lẻ 3.900 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống, lưu trú 900 tỷ đồng), đạt 100% kế hoạch, tăng gần 13% so cùng kỳ 2019. Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình được nâng cấp, hình thành, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới tăng lên. Doanh thu hàng hóa xuất, nhập khẩu ước khoảng 900 triệu USD, đạt 120% kế hoạch, tăng 28,57% so cùng kỳ.
Niềm vui trong ngày khánh thành cầu giao thông do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ huyện An Phú
Toàn huyện có 18 nhà màng diện tích 18.000m2 (tăng 6.000m2 so cùng kỳ, tương đương 6 nhà màng) trồng dưa lưới; 35 nhà lưới giá rẻ diện tích 7.300m2, chủ yếu ươm giống cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Nhà màng sản xuất 3 vụ/năm, năng suất dưa lưới bình quân đạt từ 3-3,5 tấn/vụ/1.000m2. Trồng dưa lưới trong nhà màng trên địa bàn huyện hiện nay tương đối ổn định, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 30-50 triệu đồng/vụ/10.000m2. Nhà lưới giá rẻ tập trung tại 3 xã: Quốc Thái, Khánh An và thị trấn Long Bình. Giống cây ươm trong nhà lưới, gồm: ớt, cà, rau ăn lá… giá bán bình quân 200-250 đồng/cây, mức tiêu thụ 1-1,2 triệu cây giống/năm, lợi nhuận khoảng 100-120 triệu đồng/năm.
Dự án nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng vùng rau màu ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu hình thành hợp tác xã để vận hành và bố trí cây trồng cho phù hợp. Huyện thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới cho 12 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 12 xã, như: chăn nuôi heo, trồng nấm rơm, nấm bào ngư và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây ăn trái… với tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng (mỗi xã 50 triệu đồng/mô hình).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được An Phú chú trọng đầu tư phát triển, công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, nhất là dịch bệnh COVID-19. Tập trung củng cố, nâng chất các danh hiệu văn hóa đã được công nhận, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát huy và đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Tập trung khai thác thế mạnh
Tập trung khai thác hiệu quả kinh tế biên giới, Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình và hệ thống chợ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế hợp tác, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 3 xã: Nhơn Hội, Phước Hưng và Quốc Thái. Trong đó, xã Phước Hưng phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2021, các xã còn lại tập trung thực hiện trước các tiêu chí không cần vốn...
Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, năm 2021, An Phú tập trung các nhiệm vụ, như: tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung chuyển đổi các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng gắn phát triển hợp tác xã; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai nhanh các công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập huyện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, tổ chức các hoạt động đảm bảo cho nhân dân vui xuân an toàn, tiết kiệm. Thực hiện tốt công tác đối ngoại với chính quyền và nhân dân các địa phương biên giới thuộc Vương quốc Campuchia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biên mậu.
Năm 2021, An Phú tập trung triển khai các công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, như: xây dựng cổng chào An Phú, tuyến dân cư di dân tự do Khánh An, chợ Long Bình, cầu An Phú - Vĩnh Lộc, Trường phổ thông nội trú 3 cấp học xã Khánh An; định hướng triển khai mở rộng đường liên xã Phú Hữu - Vĩnh Lộc - Vĩnh Hậu; xây dựng cầu Lama Vĩnh Trường; quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C…
|
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự điều hành nhạy bén của UBND huyện cùng với nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân nên tất cả 21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt (10 chỉ tiêu vượt). Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
|
Bài, ảnh: HỮU HUYNH