An Phú tập trung ứng phó dịch bệnh Chikungunya

18/12/2020 - 14:40

 - Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Trần Hòa Hợp vừa chủ trì cuộc họp khẩn với các ngành, địa phương trên địa bàn huyện để bàn công tác ứng phó, xử lý dịch bệnh Chikungunya sau khi xảy ra 2 cas dương tính trên địa bàn. Huyện An Phú đang tập trung xử lý ổ dịch triệt để, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, tập trung giám sát các cas bệnh có sốt với triệu chứng giống sốt xuất huyết để lấy mẫu xét nghiệm.

An Phú triển khai công tác xử lý ổ dịch và ứng phó dịch bệnh Chikungunya. 

Tăng cường phun xịt hóa chất khử khuẩn.

Chikungunya là bệnh mới nổi từ Campuchia. Theo thông tin, dịch bệnh Chikungunya lây lan hơn 15 tỉnh, thành phố của Campuchia với hơn 2.000 người mắc bệnh, trong đó có 4 tỉnh biên giới giáp Việt Nam (2 tỉnh giáp An Giang là Tà Keo và Kandal). Bệnh Chikungunya do muỗi Aedes là vật trung gian truyền bệnh, với triệu chứng giống sốt xuất huyết, phổ biến nhất là sốt, đau khớp, nhức đầu, phát ban…

Song song với kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, An Phú rất tích cực trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh Chikungunya, do có đường biên giới tiếp giáp Campuchia và thường xuyên có người nhập cảnh trái phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 8-2020 đến nay, huyện An Phú tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giám sát chỉ số lăng quăng hàng tuần, thực hiện diệt lăng quăng 7 đợt với gần 34.000 lượt hộ dân.

Bác sĩ Trần Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: hàng tuần, Trạm y tế xã giám sát 30 hộ dân/ấp để theo dõi chỉ số mật độ lăng quăng. Trung tâm Y tế huyện thực hiện giám sát bệnh nhân tại các khoa điều trị (Khoa Khám bệnh, Khoa Nhiễm, Khoa Nhi) nhằm kịp thời phát hiện, xử trí… Theo thông báo của Viện Pastuer TP. Hồ Chí Minh tối 16-12, An Phú có 2 cas dương tính với bệnh Chikungunya (bệnh mới nổi từ Campuchia), gồm 2 nam 5 tuổi và 13 tuổi ở ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình. Hiện cả 2 đang được theo dõi, sức khỏe ổn định.

Trước tình hình xảy ra dịch bệnh Chikungunya, huyện An Phú đang tập trung xử lý ổ dịch triệt để. Trung tâm Y tế huyện An Phú đã thực hiện công tác giám sát bệnh nhân, tổ chức phun xịt hóa chất diệt muỗi, đồng thời làm vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn ấp có cas bệnh (ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình). Tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi…

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp yêu cầu các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh tập trung phòng chống dịch bệnh. Các xã, thị trấn phối hợp đồng bộ với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện để kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình, cũng như thực hiện các giải pháp phòng bệnh, dập dịch một cách hiệu quả. Tập trung siết chặt biên giới, kiểm soát bên trong, ngăn chặn bên ngoài để phòng chống 2 loại dịch bệnh (COVID-19, Chikungunya) và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Riêng khu vực ấp Tân Khánh (thị trấn Long Bình) sẽ tập trung giám sát các cas bệnh có sốt với triệu chứng giống sốt xuất huyết để lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chikungunya là bệnh do virus, lây truyền sang người qua trung gian là muỗi Aedes nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt và đau khớp. Các triệu chứng khác như nhức đầu, đau cơ, sưng khớp hoặc phát ban có thể xảy ra. Hầu hết những người bị nhiễm virus Chikungunya sẽ có triệu chứng thường từ 3-7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh cắn. Triệu chứng đặc trưng là sốt trên 39°C, đau đa khớp 2 bên và đối xứng, có thể nặng và suy nhược. Các xét nghiệm có thể giảm bạch huyết, giảm tiểu cầu, tăng Creatinin và tăng Transaminase gan…

Hiện, chưa có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc để điều trị virus Chikungunya. Phòng tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi là các biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.

HỮU HUYNH

Thực hiện Công văn số 1814/PAS-KSDB ngày 12-8-2020 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế An Giang đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện công lập và tư nhân trong tỉnh; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường giám sát, kiểm soát véc-tơ phòng bệnh Chikungunya. Tăng cường giám sát các địa phương về triển khai hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch. Thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động…