Không phải mọi bậc cha mẹ đều có thể xác định được rằng con mình mắc chứng lo âu thái quá hay chỉ đơn giản là có chút lo lắng về những trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Irina Gorelik, nhà tâm lý học trẻ em tại Nhóm trị liệu nổi tiếng Williamsburg ở Mỹ cho biết, cảm xúc hồi hộp đơn thuần trong thời gian ngắn sẽ khác với sự lo lắng kéo dài. Dù chúng có thể biểu hiện theo cùng một cách, nhưng điều thứ hai ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến đứa trẻ.
"Sự bồn chồn trong ngày đầu tiên đến trường là điển hình. Một đứa trẻ sẽ dễ bị hồi hộp trước ngày đi học. Tuy nhiên nếu sự lo lắng như vậy vẫn kéo dài ở con bạn tới 1-2 tuần sau và bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động, khả năng đến trường, học tập, tập trung, giao tiếp xã hội thì có thể là con bạn đang bị lo âu thái quá và cần có sự giúp đỡ".
Những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể đang mắc chứng lo âu thái quá:
Con tìm kiếm sự trấn an liên tục
Nếu con bạn liên tục đề nghị bạn trấn an chúng về sự an toàn để giúp chúng yên tâm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang cảm thấy rất lo lắng.
Các câu hỏi phổ biến mà con có thể hỏi bạn bao gồm:
Con sẽ bị bệnh sao?
Con sẽ ổn chứ?
Lỡ có chuyện gì xấu xảy ra thì sao?
Gorelik gọi đây là những câu hỏi "nếu như" thường gặp khi trẻ rơi vào tâm trạng lo lắng.
Nhà tâm lý học Irina Gorelik cho biết, khi đứa trẻ lo âu, chúng có thể lặp lại các hành vi. "Các hành vi lặp đi lặp lại hoặc tập trung vào những việc có vẻ rất tầm thường cũng có thể là một dấu hiệu của sự lo lắng".
Trẻ em có thể mắc chứng lo âu thái quá (Ảnh minh họa: Raising Children Network).
Con có một căn bệnh phi logic
Nếu con bạn còn nhỏ, chúng có thể không có đủ vốn từ vựng để nói rằng chúng đang cảm thấy vô cùng lo lắng. Thay vào đó, chúng sẽ bày tỏ rằng chúng đau bụng hoặc cảm thấy không khỏe.
Gorelik nói: "Thông thường, nếu một đứa trẻ rơi vào tình trạng lo âu, chúng có thể biểu hiện các triệu chứng thể chất mà không thể giải thích được bằng cách khác và tình trạng này rất phổ biến khi có một sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng, một quá trình chuyển đổi hoặc thay đổi cụ thể trong cuộc sống.
Một số triệu chứng bao gồm:
Bồn chồn
Cáu gắt
Khó tập trung
Luôn cảm thấy đau bụng
Nhức đầu
Buồn nôn
Nhà tâm lý học Irina Gorelik cho biết thêm, mất ngủ hoặc không muốn ăn uống còn có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn.
Những thay đổi về hành vi của con trẻ trùng khớp với sự thay đổi trong cuộc sống
Gorelik nói: "Khi có sự nhất quán và ổn định trong cuộc sống của một đứa trẻ, điều đó giúp chúng cảm thấy an toàn và hệ thống thần kinh của chúng có thể không bị kích hoạt thường xuyên. Một thay đổi lớn trong cuộc sống có thể làm trẻ mất ổn định.
Một số sự thay đổi có thể khiến trẻ lo âu tột độ ví như gia đình chuyển nhà, chuyển trường, bố mẹ ly hôn, người thân qua đời, mẹ mới sinh em bé...".
Nhà tâm lý học Gorelik nói: "Trẻ em chắc chắn có thể đối phó với bất kỳ thay đổi nào trong số này theo những cách lành mạnh, miễn là chúng được tạo không gian để khám phá những tác động của sự thay đổi và sau đó, cảm thấy sẵn sàng cho những thay đổi".
Khi con rơi vào tâm trạng lo âu thái quá, bố mẹ cần tìm những phương pháp hỗ trợ phù hợp với con của mình. Độ tuổi hoặc sự phát triển của con bạn đóng vai trò quan trọng quyết định loại trị liệu nào sẽ hiệu quả nhất.
Một đứa trẻ dưới 4 tuổi thường không có khả năng ngồi yên lắng nghe suốt một buổi trị liệu. Gorelik gợi ý nếu con bạn ở trong khoảng từ 4-8 tuổi, bạn có thể nên tìm kiếm các lựa chọn khác, thay vì liệu pháp cho con ngồi trò chuyện với bác sĩ tâm lý.
Gorelik nói: "Trẻ nhỏ tuổi thường không có khả năng diễn đạt cảm xúc bằng lời nói. Thay vào đó, có thể tác động vào chúng thông qua các hình thức vui chơi, xem các chương trình nghệ thuật, giải trí và các phương thức khác".
Bố mẹ nên tạo ra môi trường sống vui vẻ, tích cực cho con cái (Ảnh minh họa: Westend61).
Nếu bạn tìm kiếm các liệu pháp hỗ trợ từ bên ngoài cho con mình. Hãy nhớ rằng, môi trường sống mà con trở lại sau khi trị liệu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các buổi trị liệu.
Nói cách khác, nếu bạn muốn thấy con thay đổi tích cực thì bạn cũng cần phải làm như vậy để cho con được trải nghiệm một lối sống vui vẻ, tích cực xuyên suốt.
Các bậc cha mẹ cũng cần trò chuyện với chuyên gia tâm lý, trị liệu để tìm hiểu về các chiến lược giúp con bạn đối phó với cảm xúc của chúng.
Gorelik nói: "Trẻ em thường cảm thấy đơn độc với những cảm xúc của mình nhưng nếu chúng biết rằng, chúng có thể trò chuyện và kết nối với cha mẹ về những cảm giác khó chịu, lo lắng đó thì sẽ tạo nên những thay đổi lớn".
Theo Dân Trí