Bạn bè quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam

15/01/2023 - 08:23

Cách đây 50 năm, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký, đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này của Việt Nam đã mang đến niềm vui chung cho đông đảo bạn bè quốc tế - những người yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới.

Nhà sử học Alain Ruscio, nguyên phóng viên Báo Nhân đạo (Ðảng Cộng sản Pháp) thường trú tại Việt Nam:

Chiến thắng của trí tuệ Việt Nam

Đàm phán Hiệp định Paris diễn ra vào thời điểm phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam diễn ra rất mạnh ở Pháp. Tôi đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam từ lúc còn rất trẻ, khi mới gần 20 tuổi, từ trước khi diễn ra cuộc đàm phán. Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động phản đối chiến tranh như biểu tình, phát tờ rơi và dán áp-phích kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam.

Vào thời điểm cuộc đàm phán diễn ra cam go thì quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vào mùa đông năm 1972. Những người yêu chuộng hòa bình ở Pháp đã lên án kịch liệt hành động tàn bạo của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, những trận ném bom của quân đội Mỹ càng thúc đẩy tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam và cả tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân thế giới.

Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế rất có ý nghĩa, kể cả sự ủng hộ của nhân dân Mỹ đòi lập lại hòa bình cho Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam lan rộng ra khắp thế giới và đây là một yếu tố tinh thần rất quan trọng để Việt Nam kiên cường hơn cả ở mặt trận quân sự và ngoại giao, đó là đàm phán ở Paris.

Chúng tôi đã cầm cờ Việt Nam trong các cuộc xuống đường ủng hộ Việt Nam, cả ở trên phố Kléber ở Paris, nơi có Trung tâm Hội nghị quốc tế diễn ra các cuộc đàm phán. Báo Nhân đạo của Ðảng Cộng sản Pháp đã có rất nhiều bài báo nói về chiến tranh tại Việt Nam để công chúng Pháp hiểu rõ hơn tình hình và qua đó vận động thêm nhiều người ủng hộ.

Hiệp định Paris cuối cùng được ký. Chiến thắng này là chiến thắng to lớn trong lịch sử của Việt Nam trên cương vị là một bên đàm phán. Chiến thắng này tiến tới việc xóa bỏ sự phân chia lãnh thổ Việt Nam và buộc chính quyền Mỹ phải rút quân. Mấy năm sau Việt Nam mới giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất đất nước nhưng ngay từ khi Hiệp định Paris được ký, chúng tôi đã tin chắc rằng Việt Nam sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hiệp định Paris được ký là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam từ bắc vào nam, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quật cường, bền bỉ nhằm bảo vệ đất nước đã được chứng minh nhiều lần và tinh thần đó lại được khẳng định trong quá trình đàm phán. Thắng lợi tại cuộc đàm phán ở Paris khẳng định nhiều giá trị của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam: chân lý, chính nghĩa, lý tưởng độc lập và tự do và trên hết là trí tuệ Việt Nam.

Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán phản ánh sự lãnh đạo tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc kỳ tài trong các mặt trận ngoại giao, chính trị và quân sự. Tôi tin rằng các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán tại Paris đã nắm rất chắc điều đó. Việt Nam đã cử đến Paris những nhà đàm phán thật xuất sắc. Các nhà ngoại giao Việt Nam đã kiên trì theo đuổi chiến thắng đến cùng trên tâm thế của người đi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Người Pháp rất ấn tượng với các nhà đàm phán Việt Nam, biết rất nhiều về bà Nguyễn Thị Bình, một người phụ nữ Việt Nam hiện đại, kiên quyết, thông minh và dũng cảm.

Hiệp định Paris đã khẳng định bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam. Hiệp định Paris cũng mang tính quốc tế khi góp phần quan trọng đối với cục diện ở Ðông Nam Á, buộc Mỹ rút lui về quân sự khỏi Ðông Dương và Ðông Nam Á và mang lại xu thế hòa bình cho khu vực.

Ðạo diễn Daniel Roussel, nguyên phóng viên thường trú báo nhân đạo tại việt nam:

Khẳng định ý chí bảo vệ hòa bình

Cuộc đàm phán Hiệp định Paris diễn ra vào thời điểm tại Pháp có rất nhiều hoạt động phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Rất nhiều thanh niên như tôi ở khắp đất nước Pháp đã gõ cửa từng gia đình để quyên góp tiền ủng hộ người dân Việt Nam. Ðây là một trong những kỷ niệm tôi không thể nào quên. Ðảng Cộng sản Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã làm mọi việc để hỗ trợ đoàn đàm phán miền bắc Việt Nam và đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Rất nhiều sinh viên và người dân lao động ở Pháp đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ mỗi khi có đoàn đàm phám Việt Nam đi qua.

Không chỉ ở Pháp và một số nước trên thế giới, tại Mỹ cũng có những phong trào sôi nổi phản đối chiến tranh, yêu cầu lập lại hòa bình tại Việt Nam. Báo chí thế giới cũng góp phần quan trọng để thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Báo chí Mỹ đã theo sát cuộc chiến, truyền tải tới người Mỹ những tin tức và hình ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh, kêu gọi phản đối chiến tranh. Hình ảnh "em bé Napalm" hoảng loạn bỏ chạy hay lính Mỹ sát hại toàn bộ ngôi làng đã được lan truyền khắp thế giới, làm rúng động lương tri của những người yêu chuộng hòa bình.

Tại Pháp, Báo Nhân đạo của Ðảng Cộng sản Pháp khi đó có sức ảnh hưởng lớn đến người dân Pháp, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Không chỉ người theo chủ nghĩa cộng sản, mà cả những người không theo chủ nghĩa cộng sản ở Pháp cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Có thể nói, phe cánh tả thời điểm đó đã ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ, kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ðàm phán Hiệp định Paris là cuộc đấu trí cam go, quyết liệt trên bàn đàm phán. Ðây không phải là cuộc chiến vì chủ nghĩa cộng sản, mà là một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ðàm phán Hiệp định Paris cũng ghi dấu mốc lịch sử khi lần đầu có một đất nước bắn rơi được pháo đài bay B52, tưởng chừng như không vũ khí nào có thể phá hủy được.

Hiệp định Paris là minh chứng sinh động về sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả ba mặt trận của Việt Nam: quân sự, chính trị và ngoại giao. Việt Nam đã chiến thắng cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Và cũng từ cuộc đàm phán này, phong trào đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam lan rộng chưa từng có, một yếu tố rất quan trọng để đi đến thắng lợi lịch sử vào ngày 30/4/1975.

Từ việc tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam trong những năm đàm phán, tôi rất cảm phục và ngưỡng mộ khát vọng hòa bình cháy bỏng, ý chí đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam cũng như quyết tâm thực hiện giấc mơ hòa bình thông qua nỗ lực đàm phán.

Bà Nicole Trampoglieri, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt ở thành phố Choisy-le-Roi:

Tự hào góp phần lan tỏa phong trào đoàn kết

Giai đoạn đó tôi tham gia vào rất nhiều các cuộc biểu tình ở Paris nhằm phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Khi đấy, tôi đang sống tại thành phố Vitry-sur-Seine gần Choisy-le-Roi, nơi lưu trú của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động vào chủ nhật hằng tuần, như bán vé xổ số, quà lưu niệm nhằm gây quỹ ủng hộ cho người dân Việt Nam. Tiền thu được chúng tôi đã gửi về Việt Nam để mua quần áo, thuốc men, thiết bị y tế…

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc nên không thể hiểu rõ về chiến tranh, mà chỉ được nghe kể từ ông bà, cha mẹ. Là những người yêu chuộng hòa bình, chúng tôi không mong đợi bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra. Rồi lại xảy ra cuộc chiến tranh ở Algeria, tôi đã phải chứng kiến những người bạn của mình, những người trẻ tuổi phải lên đường để chiến đấu tại đó. Ðiều này khiến chúng tôi rất sốc. Chính vì là những người yêu chuộng hòa bình, chống chủ nghĩa thực dân, chống phân biệt chủng tộc, nên chúng tôi cùng nhau vận động dư luận tại Pháp ủng hộ tính chính nghĩa của Việt Nam.

Thời điểm đó, tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế rất lớn, được thôi thúc rất mạnh mẽ tại Pháp. Có những người bạn đến từ Bỉ, Ðức, Thụy Ðiển, có cả người trẻ của Mỹ cũng biểu tình đòi hòa bình lập lại cho Việt Nam. Ai cũng mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt ở Việt Nam và đây là động lực thôi thúc chúng tôi tổ chức ngày càng nhiều hoạt động vì hòa bình cho Việt Nam.

Từ năm 1968 đến 1973 tôi là một sinh viên, sau đó thì là một giáo viên trẻ sống ở gần khu vực có nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn đàm phán Việt Nam. Chúng tôi được chứng kiến xe đưa đón phái đoàn Việt Nam đi đàm phán ở Kléber hoặc đi về từ đó. Có thể nói, sự hiện diện của đoàn đàm phán Việt Nam cùng với diễn biến ở cả nơi đàm phán và chiến trường ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận tại Pháp. Chúng tôi theo dõi sát sao những sự kiện quan trọng liên quan đàm phán hay tình hình chiến sự.

Một nguồn cổ vũ và ủng hộ rất mạnh mẽ ở Pháp trong suốt thời gian đàm phán dài đằng đẵng đến từ các thành viên của Ðảng Cộng sản Pháp. Thời điểm đó, phong trào vì hòa bình cho Việt Nam ngày càng lan rộng, có rất nhiều người tham gia vào mỗi buổi chủ nhật. Ban đầu chủ yếu là những người theo chủ nghĩa cộng sản, rồi thu hút thêm nhiều người khác, trong đó có những sinh viên như chúng tôi. Chính sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là lý do để mọi người tập hợp, thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ Việt Nam.

Rồi Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973 nhằm lập lại hòa bình ở Việt Nam. Biết tin đó, chúng tôi rất vui nhưng thực tế chiến tranh vẫn kéo dài đến năm 1975. Ðó là một thời điểm rất đáng nhớ với chúng tôi và tất cả những người đã cố gắng làm mọi việc với mong muốn Việt Nam sớm được thống nhất. Cuối cùng Mỹ phải rút hết quân khỏi Việt Nam. Hòa bình đã trở lại để Việt Nam tiến hành tái thiết đất nước, tuy nhiên vết thương chiến tranh còn kéo dài cho tới tận ngày nay, như thảm họa của chất độc da cam do quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Ðây là hậu quả thảm khốc của một cuộc chiến phi nghĩa. Chúng tôi không thể làm gì để ngăn lại được, thay vào đó là tổ chức các hoạt động giúp Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có các dự án nhân đạo nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau do hậu quả của chất độc da cam.

Năm 2013, chúng tôi đã tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris, khánh thành Quảng trường "Hiệp định Paris" và tấm bia tưởng niệm vì hòa bình. Dịp đó có sự tham gia của nhiều nhân chứng liên quan đàm phán, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình. Chúng tôi rất quý bà Bình, một phụ nữ tuyệt vời và chân thành, đã kể cho chúng tôi nghe về những cuộc đàm phán, gợi mở cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện về Việt Nam.

Những kỷ niệm về đàm phán Hiệp định Paris luôn ở trong tâm trí của chúng tôi. Cuộc đàm phán Hiệp định Paris là dịp để nhiều người yêu chuộng hòa bình ở Pháp và trên thế giới biết rõ hơn về cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do của Việt Nam. Tôi cũng như nhiều người khác ở Pháp rất khâm phục sự kiên trì và quyết tâm của đoàn đàm phán Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn và thách thức để đạt mục tiêu đề ra. Ðó cũng là dấu mốc quan trọng của phong trào vì hòa bình và chính nghĩa của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ở Pháp và trên thế giới ủng hộ Việt Nam.

Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, tôi rất vui vì đã góp phần nhỏ bé để lan tỏa phong trào đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ vô tư của những người bạn và nhân dân tiến bộ Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc. Tôi và các thành viên thuộc Hội Hữu nghị Pháp-Việt sẽ tiếp tục các hoạt động tăng cường tình hữu nghị và hỗ trợ Việt Nam.

Theo Nhân Dân