Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; UBND huyện Phú Tân vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến và giữ gìn an ninh trật tự khu vực sạt lở.
Về các giải pháp khắc phục sự cố sạt lở, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn cảnh báo nhằm giảm thiếu tối đa sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền đoạn qua thị trấn Phú Mỹ diễn biến phức tạp. Xu hướng diễn biến lòng sông và bờ sông Tiền trên địa bàn thị trấn hiện nay chủ yếu là xói lở với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó vị trí hẹp nhất tính từ mép bờ sông đến Tỉnh lộ 954, có đoạn hẹp chỉ còn khoảng 20m. Đến nay, trên khu vực vẫn còn nhiều hộ dân sống cặp bờ sông, nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng, tài sản là rất cao.
Trước đó, kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh đợt I của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, đoạn sạt lở nằm trong cảnh báo dài 6.150m bắt đầu từ ranh xã Phú Thọ kéo dài đến đoạn kè thị trấn Phú Mỹ. Khu vực cảnh báo sạt lở thị trấn Phú Mỹ tuy địa hình đáy sông không phức tạp, không sâu, nhưng mái dốc đứng, chênh cao giữa mực nước và bờ đất 3-4m, dòng chảy gần bờ, độ sâu ghi nhận được -13m, cách bờ 150m. Đoạn này, hàng năm đều xảy ra sạt lở thêm vào 0,5 – 1m.
MỸ HẠNH