Bản lĩnh chính trị người làm báo

21/06/2018 - 07:31

 - Hiện nay, sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo cho báo chí cách mạng một hướng đi mới, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với hoạt động báo chí mà nhà báo là những chủ thể chính, đòi hỏi phát huy vai trò, trách nhiệm cao với xã hội, có tâm với nghề, tôn trọng sự thật cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng. Không phải ngẫu nhiên tại Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định nhà báo phải “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Thực tế cho thấy, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng trong đội ngũ những người làm báo; cả nước xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia mạng xã hội, một bộ phận phóng viên, nhà báo đang bị mạng xã hội dẫn dắt, lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, khi “chính thống hóa” những thông tin trên mạng xã hội thành bài báo của mình mà không cần kiểm chứng, vi phạm nguyên tắc trong tác nghiệp báo chí.

Trước thực trạng này, đội ngũ phóng viên, nhà báo hơn ai hết cần hiểu rõ và nhận thức được mục đích, ý nghĩa cũng như những hệ lụy từ thông tin mình mang đến cho công chúng; bởi lẽ, những thông tin chia sẻ từ một nhà báo có sức ảnh hưởng nhất định đến dư luận xã hội; nhà báo hoàn toàn có quyền tham khảo mạng xã hội, thông qua kênh này, phát huy vai trò trách nhiệm của mình để “nắn dòng thông tin sai lệch”, điều chỉnh liều lượng thông tin, đồng thời vun đắp niềm tin cho công chúng. Điều này cần một bản lĩnh ứng xử chừng mực với ý thức trách nhiệm của người làm báo, đồng thời giữ uy tín cho cơ quan báo chí của mình.

Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo “Phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Thực hiện lời dạy của Bác, người làm báo cần thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn, kỹ năng viết báo, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước. Dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có các bài viết đạt chất lượng, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

Bản lĩnh chính trị người làm báo cũng phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí trong tổ chức công việc, giám sát, quản lý phóng viên, nhà báo theo Luật Báo chí; cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu tạo không gian sáng tạo nghề nghiệp, môi trường công việc tốt cho các nhà báo có thể say nghề, sống với nghề; có giải pháp nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cả về nội dung tư tưởng, lẫn tính thuyết phục, tính hấp dẫn. Quan tâm, chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo ngày càng lớn, đòi hỏi nhà báo phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, tác nghiệp bất cứ lúc nào, ở đâu. Bên cạnh yếu tố thông tin phải luôn mới, “nóng”, nhanh nhạy, chính xác; nhà báo cần chủ động tìm tòi những cái mới, cần thiết, bổ ích, nhân văn mà công chúng quan tâm; thường xuyên thay đổi tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, sáng tạo không ngừng để có nhiều tác phẩm tốt, hấp dẫn, không bị nhàm chán, đơn điệu; trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách chính xác, khoa học nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, tính tích cực.

Để báo chí thật sự có tiếng nói, thật sự vững chắc trong đời sống báo chí hiện nay, thì bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vẫn là yêu cầu cốt lõi đối với những người làm báo chân chính, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

LÊ HÂN