Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi (chỉ đăng ký dự thi trực tiếp trong trường hợp bất khả kháng); thí sinh tự do đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi. Ðể thí sinh đăng ký dự thi nhanh gọn, hiệu quả, hạn chế sai sót, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tổ chức đơn vị đăng ký dự thi là các trường phổ thông.
Các sở kiểm tra, đôn đốc đơn vị đăng ký dự thi hướng dẫn thí sinh đăng ký, thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ðơn vị đăng ký dự thi chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ để khai báo vào phiếu đăng ký dự thi trên phần mềm hoặc điền vào phiếu đăng ký dự thi; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT bảo đảm chính xác thông tin thí sinh.
Ðáng chú ý, đơn vị đăng ký dự thi xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh; sau khi hoàn thành nhập dữ liệu đăng ký dự thi, in thông tin của thí sinh, giao cho cán bộ hoặc giáo viên chủ nhiệm tổ chức để học sinh rà soát và ký xác nhận. Ðối với thí sinh, tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào hệ thống Quản lý thi, có thể biết được các thông tin đăng ký dự thi; giấy báo dự thi; kết quả thi; kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT…
Mặc dù đã có những quy định cụ thể cho từng bộ phận, đối tượng tham gia quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thi của thí sinh nhưng quá trình triển khai vẫn nảy sinh không ít bất cập. Ngay trong hai ngày đầu đăng ký dự thi năm 2023, một số thời điểm, số truy cập đồng thời vào hệ thống Quản lý thi tăng đột biến, xảy ra hiện tượng nghẽn mạng khi truy cập gây không ít khó khăn cho thí sinh. Trong khi đó, hằng năm có khoảng một triệu thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều em đăng ký sai thông tin hoặc đăng ký dự thi tùy hứng dẫn đến phải điều chỉnh thông tin nhiều lần.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cán bộ, giáo viên chưa thật sự nghiên cứu kỹ quy chế thi và các hướng dẫn liên quan dẫn đến thiếu tự tin, lúng túng trong xử lý các tình huống. Thời điểm đăng ký dự thi, chốt số báo danh, xếp phòng thi theo kế hoạch công tác thi của Bộ Giáo dục và Ðào tạo sát ngày thi cho nên thời gian chuẩn bị cho các khâu của kỳ thi ít, gấp gáp.
Ðể hoàn thiện hồ sơ dự thi cho thí sinh chuẩn xác, hạn chế những vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần khắc phục ngay những hạn chế của hệ thống Quản lý thi, tránh trường hợp thí sinh đăng nhập vào hệ thống. Cần có bộ phận trực kỹ thuật thường xuyên và phương án dự phòng để hệ thống Quản lý thi hoạt động luôn ổn định.
Ðáng chú ý, thông tin thí sinh hiện nay đã được khai báo trên cơ sở dữ liệu ngành cho nên Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần đồng bộ hệ thống Quản lý thi và cơ sở dữ liệu một cách triệt để nhằm hạn chế sai sót hồ sơ dự thi của thí sinh; tập huấn đầy đủ, chu đáo về nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên và những người tham gia công tác thi. Các đơn vị đăng ký dự thi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần chủ động tăng cường cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; bảo đảm có cán bộ trực để có thể hỗ trợ kịp thời thí sinh trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thi. Chọn cử cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm rà soát, hoàn thiện hồ sơ; rà soát, tra cứu thông tin cung cấp bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh.
Ðối với thí sinh, việc bảo đảm hồ sơ dự thi đầy đủ, chính xác vừa là trách nhiệm vừa giúp bảo đảm quyền lợi của chính các em. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các quy trình, trao đổi với giáo viên, cán bộ hỗ trợ đăng ký dự thi trước khi thực hiện quy trình đăng ký nhằm hạn chế sai sót; vừa không gây ảnh hưởng quy trình tổ chức đăng ký dự thi, vừa bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các em.
Theo MẠNH XUÂN (Nhân Dân)