Báo động tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục

02/08/2019 - 07:23

 - Thời gian qua, An Giang chưa có những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em nổi cộm nhưng hiện tượng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn xảy ra. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 36 vụ trẻ em bị bạo lực và 101 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong số trẻ em bị xâm hại có những trường hợp cá biệt, trẻ em tự giao cấu với nhau dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, trẻ em tảo hôn do gia đình 2 bên tự thỏa thuận...

Đại úy Trần Thị Hà, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết, gần đây tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 29 vụ xâm hại trẻ em, liên quan 28 đối tượng, với 34 nạn nhân bị xâm hại. So cùng kỳ năm 2018, số vụ xâm hại trẻ em tăng 14 vụ, tăng 93,3%. Hiện, Công an tỉnh đã xử lý hình sự 19 vụ, liên quan đến 19 đối tượng và đang tiếp tục điều tra 10 vụ, liên quan 9 đối tượng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Văn Tuấn cho biết: “Tình trạng trẻ em xâm hại, bạo lực, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục đang là hồi chuông báo động. Tội phạm này không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, mà mở rộng đến những nơi đông đúc dân cư, vùng thành thị và liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, rộng khắp ở các địa bàn. Đối tượng xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, trình độ, thành phần, trong đó không ít là người thân, có quan hệ huyết thống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực là các đối tượng lợi dụng lúc cha mẹ, người trông giữ, quản lý trẻ vắng nhà, đối tượng tiếp cận nạn nhân dụ dỗ để thực hiện hành vi đồi bại”.

Bàn giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Liêm cho rằng: “Hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em gặp nhiều khó khăn, hạn chế; công tác phòng ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục tuy có phát triển, đổi mới nhưng chưa huy động được tất cả các thành phần xã hội tham gia; đội ngũ cán bộ tham gia truyền thông tại cộng đồng còn thiếu kiến thức về bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được trang bị bài bản về kỹ năng truyền thông. Hiện các mô hình trợ giúp trẻ em như: điểm tham vấn, tư vấn; mô hình Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp huyện; hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng... chưa có độ bao phủ toàn tỉnh và chỉ mới triển khai thí điểm ở một số xã, phường, thị trấn...”.

Để phòng, chống trẻ bị xâm hại, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phan Văn Tuấn cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh giáo dục kiến thức về giới tính, kỹ năng sống để các em tự bảo vệ mình trước những hành vi dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu. Và khi xảy ra trường hợp trẻ bị xâm hại, phụ huynh cần phải trình báo ngay cho cơ quan công an để nhận được sự hỗ trợ tư vấn cần thiết, giải quyết vụ việc nhanh nhất, tránh để lọt tội phạm. “Pháp luật cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em...” - ông Tuấn kiến nghị.

Để làm tốt công tác phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Văn Thìn cho biết: “Các sở, ngành liên quan thường xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa; thiết lập ngay các “đường dây nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để kịp thời tiếp nhận thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực đối với trẻ em...”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích