Là người hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục mầm non, cô K.T (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đã về hưu rất bức xúc khi theo dõi sự việc trên phương tiện truyền thông. Là một giáo viên (GV) tâm huyết với nghề và có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý, cô K.T rất thấu hiểu những áp lực của nghề và thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến người chăm sóc, dạy trẻ lại BH trẻ. Đó chính là những cô giáo bất đắc dĩ, căn bản họ không “yêu nghề, mến trẻ”, lựa chọn ngành mầm non chỉ vì theo ý nguyện của gia đình hay chọn ngành miễn sao có được tấm bằng đại học, hoặc là lao động phổ thông chỉ cần qua vài tháng đào tạo là có chứng chỉ và xin làm bảo mẫu. Họ làm việc chỉ vì “chén cơm, manh áo” và cho xong việc bằng mọi cách, chứ không ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nuôi dạy trẻ. Có những trường hợp GV thật sự yêu nghề nhưng do áp lực gia đình, vui buồn cá nhân, hay do GV không sắp xếp được việc gia đình khi có con nhỏ, khi vào trường, lớp lại chịu áp lực công việc cao trở nên nóng nảy, cáu gắt, sẵn sàng trút giận lên trẻ.
BH trẻ cũng đến từ người có bản chất nóng nảy, thiếu kỹ năng sư phạm, thích sử dụng và có thói quen dùng bạo lực để trẻ nghe theo ý muốn của mình. Tính chất bạo lực được gia tăng khi GV BH không bị chủ cơ sở hay hiệu trưởng trường mầm non nhắc nhở, mà ngược lại còn được khuyến khích sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, đánh đập không để lại dấu vết để trẻ nghe theo. Về lâu dài, trẻ bị BH sẽ có những chấn thương tâm lý như: ngủ hay mớ, sợ hãi, sợ đến trường, không tự tin, trầm cảm…
Trẻ em cần có một môi trường học tập an toàn, đầy ắp yêu thương.
Dù BH đến từ lý do gì đi nữa cũng là tội ác với trẻ, vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền trẻ em được Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Cô K.T cũng đồng tình rằng, cần phải xử lý mạnh tay, đúng người, đúng tội những hành vi BH trẻ em. Với những người không “yêu nghề, mến trẻ”, không đủ phẩm chất, kỹ năng, sức khỏe đảm bảo cho việc nuôi dạy trẻ thì nên chuyển đổi nghề nghiệp khác phù hợp hơn. Ngoài hoạt động chuyên môn, người đứng đầu cơ sở, hiệu trưởng cần có đủ phẩm chất cao quý của nghề, hiểu và tôn trọng pháp luật, có sự điều chỉnh, phản đối kịp thời các hành vi BH trẻ. Người trực tiếp nuôi dạy trẻ cần tôn trọng trẻ, thường xuyên học tập, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, khéo léo ứng xử với trẻ trong các hoạt động ăn, nghỉ, vui chơi, học tập, có phương pháp sư phạm khoa học với trẻ tự kỷ, hiếu động hay được gia đình nuông chiều quá mức.
Cùng với đó, phải nhìn nhận rằng áp lực của nghề rất lớn, trong khi yêu cầu của nghề cao mà chế độ ưu đãi rất thấp. Một GV đứng lớp hiện nay thường làm việc hơn 8 tiếng, kiêm rất nhiều việc từ đảm bảo dinh dưỡng, y tế đến dạy các môn năng khiếu ca, hát, múa, kịch, kể chuyện, dạy chữ; tối về còn soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. GV quả thật không có thời gian cho gia đình và nghỉ ngơi nên dễ bị áp lực tinh thần và sức khỏe. Trong khi đó, mức lương cho GV mầm non trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, tại các cơ sở tư nhân người lao động còn không được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với áp lực từ phụ huynh, dễ bị xâm hại thân thể, xúc phạm danh dự từ những phụ huynh có hành động, thái độ quá khích. Do vậy, công bằng mà nói, để GV làm tốt nhiệm vụ, theo cô K.T cần có sự giảm tải công việc. Cơ sở, nhà trường cần tổ chức nuôi dạy trẻ với GV chuyên môn, phân công công việc hợp lý, quan tâm cải thiện thiện lương và các chế độ đãi ngộ, biện pháp bảo vệ GV khi bị xâm hại để GV yên tâm công tác. Về phía phụ huynh, cần hợp tác với GV trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ, không có hình thức “chăm sóc” GV thái quá để GV trông chờ, ỷ lại, cố tình tạo nên sự thiếu công bằng trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG