Báo Mỹ: Việt Nam - Điểm đến nổi bật của các nhà đầu tư nước ngoài

10/07/2020 - 18:40

Trang mạng Seeking Alpha của Mỹ vừa đăng bài viết cho rằng trong vài năm qua, Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến đầu tư nổi bật.

Theo bài viết, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Dù nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ việc làm cao, song phần lớn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn so với các nước khác là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và thấp hơn đáng kể so với "đối thủ" khác là Mexico. 


Công nhân sản xuất và lắp ráp ô tô tại nhà máy Maz Asia - liên doanh giữa hai nhà đầu tư Việt Nam và Belarus được xây dựng tại Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Việt Nam chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất điện tử (36%), tiếp đến là giày dép. Nhiều báo cáo cho thấy các ngành công nghiệp khác như sản xuất lốp xe ô tô, đồ nội thất và tủ lạnh cũng đang trong quá trình dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Một số tên tuổi đáng chú ý của Mỹ gần đây đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam gồm Sourcify, Cooper Tyres và Key Tronic.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho xu thế dịch chuyển sản xuất, tăng từ 17% năm 2018 lên 36% năm 2019, trong khi mức độ hấp dẫn của các điểm đến đầu tư khác là Ấn Độ và Thái Lan đều giảm.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm tê liệt thương mại toàn cầu. Sau 2 năm đạt thặng dư thương mại, tháng 4/2020, Việt Nam chứng kiến cán cân thương mại thâm hụt gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình đang khởi sắc trở lại. Tháng 6 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng tới 10,3% so với tháng trước. Xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng qua cũng có chiều hướng tăng và gần bằng tốc độ trung bình của năm 2019.

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sang EU đạt 60 tỷ USD vào năm 2025. Về lâu dài, điều này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì lệ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), mở ra một thị trường đầy hứa hẹn với tổng GDP gần 2.200 tỷ USD. Theo thỏa thuận, thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam như hàng may mặc, máy tính, điện thoại, quần áo, giày dép, dệt may, điện tử và thiết bị nông nghiệp sẽ giảm từ 9,7% xuống còn 2% vào năm 2025.  

Một số nguồn tin cho hay, Nga - một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng hai nước đang có kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế. Đáng chú ý, Nga đã rót khoảng 1 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhà sản xuất xe tải hạng nặng GAZ Group của Nga gần đây cũng tuyên bố sẽ bắt đầu lắp ráp xe tại Việt Nam. Việt Nam sẽ phát triển năng lực sản xuất trong các lĩnh vực khác ngoài các thế mạnh là điện tử và giày dép.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới câu chuyện chống dịch COVID-19 thành công của Việt Nam. Theo bài viết, so với các điểm đến cạnh tranh khác, ngành du lịch của Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn. Số liệu về du lịch và công nghiệp của Việt Nam cho thấy trong tháng 7/2020, hơn 26.000 chuyến bay dự kiến sẽ vận chuyển hơn 5 triệu hành khách, tăng lần lượt 16% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, vẫn còn một số thách thức có thể cản trở câu chuyện thành công của Việt Nam.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số công ty đang nỗ lực định hướng lại quy trình sản xuất và hạn chế việc thiết lập chuỗi cung ứng đa quốc gia. Đây rõ ràng không phải là tin tốt đối với các nhà sản xuất chi phí thấp như Việt Nam.

Thứ hai, các chính sách bảo hộ của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không “dễ thở” đối với Việt Nam.

Thứ ba, theo Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu ròng giảm 5% sẽ làm giảm 1,5% GDP của Việt Nam. Nguồn xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là lĩnh vực điện tử. Dù lĩnh vực này sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao, song Việt Nam có thể làm tốt hơn. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và in 3D đang nhanh chóng trở nên thịnh hành và khi những thứ này thâm nhập hơn nữa, có thể có những dấu hỏi đặt ra về yếu tố lao động giá rẻ của Việt Nam.

Điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực điện tử và phát triển năng lực sản xuất công nghệ cao hơn trong chuỗi giá trị và không chỉ đóng vai trò nhân tố chính trong khâu lắp ráp. Để làm được điều này, Việt Nam cần quyết tâm đổi mới hơn nữa theo tiêu chuẩn hiện đại.

Theo NGỌC HÀ (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích