Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô - nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, tổ tiên chung của người Việt đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2022. Vì vậy, những năm qua, với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn các Vua Hùng, chính quyền địa phương cùng với người dân nơi đây luôn biết vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của quê hương, phấn đấu xây dựng Hùng Lô thành điểm sáng du lịch của tỉnh.
Đình Hùng Lô vừa được tu bổ, tôn tạo
Đồng chí Nguyễn Hữu Ích - Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: “Việc tổ chức lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô hằng năm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước. Lễ hội Đình Hùng Lô không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phục vụ cho phát triển du lịch của thành phố Việt Trì”.
Nằm tại ngôi làng cổ Hùng Lô với niên đại hơn 300 năm tuổi, Đình Hùng Lô từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo nghi thức truyền thống, lễ hội Đình Hùng Lô gồm 7 nghi lễ chính là: Lễ mở cửa đình (dâng hương, lau chùi đồ thờ, quét dọn đình và xung quanh đình); Lễ mộc dục (lấy nước giếng của đình mang vào để dùng cho các công việc của đình); Lễ tế ra quan (khoác áo mũ cho bài vị của thần); Lễ rước thần (rước kiệu); Lễ nhập tịch (mời các vị Thánh Vương về ngự); Đại lễ (dâng lễ, đọc bài văn tế, nêu sự tích, công lao của các vị Thánh Vương); Lễ tạ (xin các thần cho hạ lễ và thu dọn đồ khí tự, kết thúc lễ hội).
Nhiều nét mới trong Lễ hội Đình Hùng Lô năm 2024 được tổ chức thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương
Trong đó, lễ rước thần là một trong những nghi lễ long trọng nhất, có quy mô lớn nhất với hàng trăm người tham gia rước kiệu. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, từ Chánh, Phó lý cho đến dân thường và trai tráng trong làng đã đến tuổi thành niên đều phải “xắn tay” vào làm các công việc như dọn dẹp đường sá, sửa soạn lễ vật, lựa chọn ngôi chủ tế và người tham gia đoàn rước kiệu. Mỗi năm, lễ hội này được tổ chức 2 lần vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3) và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12 tháng 9 âm lịch.
Năm nay, nét mới của lễ hội được Ban tổ chức nghiên cứu và đưa vào là tổ chức rước một cỗ kiệu Bát Công, 4 cỗ kiệu văn và 1 cỗ kiệu rước sản vật của địa phương đi qua 5 khu dân cư. Đồng thời, trong thời gian diễn ra lễ hội, Ban tổ chức còn khôi phục các trò chơi dân gian như: Chọi gà; thi đấu cờ tướng; kéo co; bịt mắt đập niêu; thi gói, nấu bánh trưng và thi lễ gà của các khu dân cư trên địa bàn xã và đặc biệt còn khôi phục nghi thức “thiết yến” tại đình, sau đó mời các cụ từ 70 tuổi trở lên ra Đình để dự yến tiệc.
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, đồng thời góp phần khôi phục, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của xã. Ông Nguyễn Văn Hà - người dân sống lâu năm ở đây chia sẻ: “Tôi và người dân nơi đây rất vinh dự và tự hào khi trên mảnh đất quê hương có Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô. Vì vậy, những người dân như chúng tôi luôn ý thức được giá trị của những văn hóa nên người dân đang ra sức tôn tạo, bảo tồn lễ hội truyền thống đó”.
Với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, người Hùng Lô không chỉ trực tiếp giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương cho các thế hệ ở địa phương mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc một cách thiết thực.
Hiện nay, Lễ hội Đình Hùng Lô trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương và du khách thập phương. Đồng thời đây cũng là biểu tượng của sức mạnh và tinh thần đoàn kết, được gìn giữ, lưu truyền và gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Hùng Lô.
Theo Báo Phú Thọ