Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer

19/03/2024 - 07:52

 - Việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh An Giang luôn được quan tâm, qua đó góp phần quảng bá văn hóa địa phương và tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình là việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer xã Văn Giáo (TX. Tịnh Biên).

Để có được sản phẩm dệt thổ cẩm chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ

Dấu hiệu phục hồi

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer xã Văn Giáo có từ lâu đời. Sản phẩm làm ra để may trang phục cho sư, sãi ở chùa và phục vụ đời sống người dân trong vùng. Từng có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm tưởng chừng bị mai một. Cột mốc đánh dấu cho sự phục hồi của làng nghề là vào năm 1998, với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE (tổ chức phi Chính phủ Úc).

Năm 2000, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Văn Giáo ra đời, với sự tham gia của 71 hộ dân, 126 xã viên. Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Lụa thổ cẩm Văn Giáo”. Năm 2007, nghề dệt thổ cẩm xã Văn Giáo được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đầu năm 2023, sản phẩm dệt thổ cẩm được hội đồng cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm xà-rông đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Hiện nay, làng dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo có 63 thành viên, trong đó có 2 nghệ nhân, 2 thợ giỏi.

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xã viên. Phó Chủ tịch UBND xã Văn Giáo Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết, địa phương đã triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ mua nguyên liệu cho các hộ nghèo là xã viên Làng dệt truyền thống thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo”, với hình thức cho vay không tính lãi. Qua đó, đã hỗ trợ 25 hộ vay vốn, với tổng kinh phí 125 triệu đồng. Theo đánh giá, mô hình phát huy hiệu quả, thu hồi được vốn cho vay, từng bước nâng cao thu nhập cho xã viên. Trừ các chi phí đầu vào, mỗi xã viên vay vốn có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.

Ngoài ra, thực hiện đề án giảm nghèo của UBND TX. Tịnh Biên, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Văn Giáo phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TX. Tịnh Biên, giải ngân cho 8 xã viên có nhu cầu vay vốn mua nguyên liệu, làm mới khung dệt. Mỗi xã viên được vay 80 triệu đồng, hình thức trả vốn gốc và lãi suất hàng tháng. Từ năm 2018 đến nay, UBND xã Văn Giáo đã mở 4 lớp sơ cấp nghề, truyền nghề dệt thổ cẩm cho 120 phụ nữ là đồng bào DTTS Khmer. Qua đó, giúp bảo tồn, nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho các thợ dệt.

Hiện, sản phẩm dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo ngoài tiêu thụ ở các tỉnh có đồng bào DTTS Khmer sinh sống, còn được xuất khẩu sang các nước: Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Đồng thời, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với thương hiệu Silk Khmer. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không tồn đọng. Thu nhập của xã viên ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho phụ nữ nghèo, cận nghèo DTTS Khmer.

Bảo tồn, phát triển làng nghề

Là chủ cơ sở quy mô, đồng thời cũng là người truyền nghề cho nhiều lao động nữ tại địa phương, bà Néang Chanh Ty cho biết, để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh phải qua 5 công đoạn chính: Nhuộm tơ, phơi nắng, làm bông, nhuộm sợi màu lần 2, đánh sợi và lâu nhất là khâu dệt. Sản phẩm chủ yếu, là: Xà-rông, khăn choàng cổ, các loại khác theo đặt hàng... “Ngày trước, để dệt thổ cẩm, người dân nơi đây phải trồng dâu, nuôi tằm, se tơ… Hiện nay, nguyên liệu tơ tằm được mua phần lớn từ tỉnh Lâm Đồng. Loại tơ tằm đảm bảo cho thành phẩm có độ mềm, mịn, mát mẻ và sắc óng đẹp mắt” - bà Néang Chanh Ty chia sẻ.

Một điều khiến cho du khách, khách hàng trong, ngoài nước thích thú với thổ cẩm Văn Giáo là ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết hoa văn, màu sắc của tấm vải dệt. Để tạo nên những hoa văn tinh tế, tơ sau khi “buộc bông” được nhuộm nhiều lần để ra màu ưng ý. Chỉ riêng khâu buộc chỉ để tạo hoa văn trên thổ cẩm đã mất từ 15 - 20 ngày.

Để bảo tồn và phát triển hoạt động làng nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề cho nhiều phụ nữ DTTS Khmer. Bên cạnh, xã Văn Giáo sẽ từng bước hình thành cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ làng nghề. Xã Văn Giáo sẽ triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩn của làng nghề để phục vụ nhu cầu của du khách và tạo thu nhập cho người dân... Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển làng nghề; tạo việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS Khmer…

ĐỨC TOÀN