Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

21/02/2025 - 07:08

 - Nhiều năm qua, tỉnh An Giang luôn quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của Nhân dân.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Đây còn là biểu tượng của sự trường tồn, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Di sản còn là sản phẩm phát triển ngành du lịch (DL), tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, nâng cao lòng tự hào về truyền thống, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản này.

Trong quá trình hội nhập, di sản văn hóa còn là kênh giới thiệu về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc đến với du khách nước ngoài, giúp cho thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, là cơ sở để sáng tạo giá trị mới và giao lưu văn hóa. Nhận thức rõ tầm quan trọng, giá trị của di sản văn hóa, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.

Nghi thức Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Tỉnh hiện có 10 bảo vật quốc gia; 8 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 4/12/2024. Ngoài ra, tỉnh hiện có 90 di tích được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh), với các loại hình di tích, như: Di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, lịch sử văn hóa, lưu niệm danh nhân...

“Mỗi di tích được xếp hạng đều mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khác nhau, nhưng tổng hòa lại tạo thành một bức tranh đầy màu sắc của vùng đất An Giang. Tỉnh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa. Đây không chỉ là nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, mà còn là thế mạnh, tiềm lực để phát triển DL” - lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu, tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng, nhất là xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn Dì Kê đồng bào Khmer An Giang; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề dệt đồng bào Chăm An Giang; khảo sát 15 di tích về việc trùng tu, tôn tạo di tích.

Đồng thời, hoàn thành bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng ở các địa phương: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, Châu Đốc, Long Xuyên; hoàn thành hồ sơ khoa học di tích Bửu Hương Các (huyện Châu Phú) đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh; lắp đặt mã QR giới thiệu di tích tại 19 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; phối hợp đơn vị liên quan tổ chức 4 hội thảo khoa học, trong đó có 1 hội thảo cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử, tầm nhìn tương lai”…

Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, An Giang đang tập trung phát triển ngành DL văn hóa, DL tâm linh, mà di tích là một trong những tài nguyên quan trọng để khai thác. Một số di tích tiêu biểu, như: Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Hang, đồi Tức Dụp. Một số cơ sở thờ tự, tôn giáo với kiến trúc nghệ thuật cổ, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, như: Chùa XvayTon, thánh đường Hồi giáo Mubarak, chùa Ông Bắc... đã được giới thiệu rộng rãi, tạo điều kiện cho việc quảng bá di sản văn hóa, hoạt động DL.

Thời gian tới, An Giang tiếp tục quan tâm tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di tích; ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, giao lưu các hoạt động liên quan lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; duy trì và phát triển làng nghề truyền thống bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, hình thành, kết nối tour, tuyến DL để tạo sự liên hoàn, gắn kết giữa các loại hình DL sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng gắn với DL văn hóa, tín ngưỡng tâm linh để thu hút du khách…

TRUNG HIẾU