Bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân

28/02/2023 - 07:18

 - “Cần xác định rõ công tác xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (gọi tắt là phong trào) là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Mỗi ban, ngành, đoàn thể và địa phương cần quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng phong trào phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành, tổ chức, địa phương để vận động, lôi cuốn cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia” - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh An Giang, năm qua, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào, đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân với nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền qua mạng xã hội, xe loa lưu động, loa truyền thanh, phát thư tố giác tội phạm, tờ bướm...

Công tác xây dựng, củng cố, phát triển nhân rộng các mô hình trong phong trào được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, phát huy tác dụng, góp phần đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và TNXH. Cụ thể, ban chỉ đạo các cấp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp chỉ đạo công an phối hợp UBMTTQ, ban ngành, đoàn thể tổ chức 2.725 cuộc họp dân tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia đảm bảo an ninh quốc gia ở địa bàn trọng điểm, phức tạp; bảo vệ chủ quyền, biên giới; tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy; TNXH; đảm bảo trật tự an toàn giao thông... với 184.149 lượt người tham dự.

Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm... góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2022, mô hình “Liên kết đảm bảo ANTT tại Khu du lịch núi Cấm” (huyện của Tịnh Biên) được Bộ Công an công nhận mô hình đạt hiệu quả và thông báo nhân rộng toàn quốc. Mô hình “2 An” giữa lãnh đạo công an và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo cấp xã góp phần đảm bảo ANTT và an sinh xã hội.

Hoạt động xây dựng phong trào gắn kết với các hoạt động và phong trào cách mạng khác tại cơ sở, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Cả nước thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội”. Thực hiện công tác an sinh xã hội, các tổ chức tôn giáo tích cực cất nhà từ thiện, xây dựng cầu nông thôn, bếp cơm "0 đồng", khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí hoặc mô hình “Phụ nữ Chăm giúp nhau giảm nghèo”... Nhiều công trình, phần việc triển khai thực hiện, trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình biểu dương những kết quả công tác mà các đơn vị, địa phương đạt được thời gian qua, ghi nhận thành tích của tập thể, cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào. Đồng thời, lưu ý cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác xây dựng phong trào. Tổ chức triển khai, thực hiện thông tư của Bộ Công an quy định khu dân cư, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng phong trào.

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của ngành công an về nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng công an với UBMTTQ, sở, ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào, gắn với công tác dân vận, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phát triển mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở. Thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại; có kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Phấn đấu đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh không còn xã trọng điểm, phức tạp về ANTT.

“Cần đẩy mạnh phong trào trong các khu, cụm công nghiệp; trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và ngoài xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả trong phong trào. Ban chỉ đạo các cấp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp triển khai xây dựng thí điểm “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị”; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào; xây dựng mô hình “Hệ thống chính trị trực tiếp tham gia bảo đảm ANTT…” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

NGUYỄN HƯNG

 

Liên kết hữu ích