Chiếc xe máy vốn là một phần của tác phẩm nghệ thuật trên phố bích họa Phùng Hưng giờ nằm trơ trọi.
Thế nhưng sau một thời gian khai thác, các không gian nghệ thuật này đều bị xuống cấp. Điều đó đặt ra vấn đề là làm sao để bảo vệ, khai thác những không gian nghệ thuật công cộng một cách bền vững.
Ngay khi ra đời, không gian bích họa phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với phố cổ. Còn không gian nghệ thuật phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) đã góp phần “xóa sổ” khu vực vốn là một bãi rác tự phát ven sông Hồng.
Xuống cấp và nhếch nhác
Thời gian trước, vào những ngày cuối tuần, không gian bích họa phố Phùng Hưng lúc nào cũng tấp nập khách tham quan, ai cũng muốn có những bức ảnh độc đáo bên những “ông đồ”, “gánh hàng hoa”, hay bên những chiếc “tàu điện”… thì bây giờ, không gian ấy trở nên rất vắng vẻ. Hơn 30 bức bích họa tại các ô vòm cầu cạn đường sắt đều hư hại ở mức độ khác nhau. Bức “Thời xưa cũ” của họa sĩ Hàn Quốc Lee Seung Huyn tái hiện một Hà Nội cách đây mấy chục năm với người đạp xích lô trên phố cổ bị “thêm” vào các nhân vật mới bằng nét vẽ nguệch ngoạc.
Bức “Phố Hàng Mã” (Trần Hậu Yên Thế-Lê Đăng Ninh), một trong những bức tranh được ưa thích nhất bị vỡ một mảng rộng khoảng 0,5m2, chưa được “vá” lại, cũng có nhiều nét vẽ bậy đè lên. Vốn là một phần của những bức tranh bị gỡ đi, nay chiếc xe máy cũ đứng trơ trọi bên bức tường đá mầu xám, khiến người ta nghĩ đến cảnh tượng của một công trình bị bỏ hoang… Chưa kể, hầu hết các bức họa đều bị mưa nắng làm phai mầu.
Ông Lê Văn Nam, một người dân sống ở ngay đoạn phố bích họa chia sẻ: “Phần lớn các bức tranh bị hư hại do để ngoài trời. Nhưng cũng có một số người thiếu ý thức, bôi bẩn, vẽ bậy lên các bức tranh. Tôi thấy rất đáng tiếc khi một không gian văn hóa sôi động bây giờ bị xuống cấp thế này”.
Sự xuất hiện của những không gian nghệ thuật công cộng là điều cần thiết đối với sự phát triển một đô thị. Những không gian ấy đem lại nhiều giá trị vượt xa khỏi khuôn khổ nghệ thuật, thẩm mỹ đô thị. Đó là câu chuyện không gian nghệ thuật tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).
Một địa chỉ vốn ngập rác thải và nồng nặc mùi xú uế nằm giữa khu phố 1 và khu phố 2 của phường Phúc Tân đã “lột xác” khi được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật. Đây là dự án do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ năm 2019 với sự tham gia của nhóm nghệ sĩ tình nguyện và đông đảo người dân trong khu vực nhằm biến bức tường dài hơn 200m thành một “tổ hợp” tác phẩm nghệ thuật liên hoàn. Nghệ thuật đã thay đổi hẳn nếp sống của phần lớn cư dân tại đây. Ba năm trôi qua, bãi rác không xuất hiện nữa. Người dân tiếp tục cải tạo, dọn dẹp tuyến đường này sạch đẹp, tươm tất.
Cái đẹp đẩy lùi cái xấu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có ý thức như thế. Hiện giờ, một số tác phẩm bị “quây” kín bởi quán nước. Một số khác thì đã bị hư hỏng nặng nề. Tác phẩm “Thuyền” của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông được làm từ chai nước, hộp dầu cũ… nay rơi rụng gần hết. Tác phẩm “Múa lân” của họa sĩ Xuân Lam thì bị gãy đổ một phần, một số nhân vật trong tác phẩm bị… mất chân, mất tay.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người giám sát về nghệ thuật của dự án, đồng thời, cũng là người có tác phẩm tại hai dự án cho biết: “Cả hai không gian nghệ thuật đều bị xuống cấp. Ở Phúc Tân, một số tác phẩm được làm kiên cố bằng kết cấu thép, chôn xuống đất nhưng những vật liệu lắp lên nó, đặc biệt là chai nhựa sau một thời gian chịu ảnh hưởng của thời tiết sẽ kém dần. Chưa kể, sự tương tác của người dân chưa có ý thức cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến tác phẩm”.
Họa sĩ Xuân Lam, người có hai tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh dân gian ở cả hai không gian nghệ thuật công cộng chia sẻ: “Những tác phẩm nghệ thuật bị xuống cấp làm tôi rất buồn. Nhưng là nghệ sĩ, chúng tôi không có kinh phí để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tác phẩm của mình. Với tác phẩm ở bên sông Hồng, bản thân tôi còn bỏ một phần tiền túi ra để thực hiện. Nay tôi không dám nhìn vào vì xấu hổ”.
Để những không gian nghệ thuật bền vững
Những tác phẩm nghệ thuật được bày tại không gian ngoài trời xuống cấp là câu chuyện “mới mà cũ” ở Hà Nội. Thành phố từng có những vườn tượng trong công viên Bách Thảo, hay bên bờ hồ Hoàn Kiếm (phía gần đền Ngọc Sơn). Thế nhưng sau một thời gian, những bước tượng đều sứt sẹo, hư hỏng, có bức thì bị vẽ bậy…; có tác phẩm thậm chí còn… biến mất. Bức tường gốm sứ ven sông Hồng từng được công nhận kỷ lục Guinness, nhưng cũng bị bong tróc, nứt vỡ, bôi bẩn bởi tự nhiên cũng như con người.
Tuy nhiên, không gian nghệ thuật trên phố Phùng Hưng và ở phường Phúc Tân được dư luận quan tâm hơn rất nhiều. Bởi thành phố chưa có một không gian nghệ thuật nào tạo hiệu ứng mạnh mẽ đối với xã hội, thu hút khách du lịch, đem lại lợi ích cho cư dân khu vực như hai không gian này. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Khái niệm dự án nghệ thuật công cộng còn khá mới mẻ ở nước ta. Thực ra, các dự án nghệ thuật cộng đồng đều có “tuổi đời” của nó, thường là 3 năm, nay 5 năm. Sau khi kết thúc dự án, không gian ấy lại dành cho các dự án nghệ thuật khác.
Bản thân không gian bích họa trên phố Phùng Hưng ban đầu dự định thời gian tồn tại là 3 năm, nhưng hiện giờ đã được 5 năm. Vậy bây giờ nếu muốn tiếp tục duy trì, thì chúng ta phải có biện pháp để tôn tạo thay vì cứ khai thác mãi. Tôi nghĩ bất kỳ địa phương nào khi tổ chức các không gian nghệ thuật công cộng đều phải tính đến điều này. Định kỳ ba tháng, hay sáu tháng phải rà soát, kiểm tra để có biện pháp bảo vệ, duy trì nếu tác phẩm hư hỏng”. Họa sĩ Xuân Lam cũng chia sẻ quan điểm này và cho biết thêm: “Có ba yếu tố ảnh hưởng tới một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời: Thiên nhiên, con người và chất liệu. Về mặt chất liệu, nếu có kinh phí thì nghệ sĩ hoàn toàn có thể tạo ra được tác phẩm bền vững hàng chục, hàng trăm năm.
Song, yếu tố con người thì không dễ khắc phục. Để các không gian nghệ thuật công cộng được bền vững, làm đẹp cho thành phố, thì song song với xây dựng ý thức của cư dân, cần có quỹ để duy tu, bảo dưỡng để không gian nghệ thuật không bị nhếch nhác”.
Về phía chính quyền quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: “Cả hai dự án không gian nghệ thuật ở phố Phùng Hưng và phường Phúc Tân đều là những dự án xã hội hóa. Tại không gian nghệ thuật bên sông Hồng ở phường Phúc Tân, một số tác phẩm sử dụng chất liệu tái chế nên bị hư hỏng theo thời gian. Còn không gian nghệ thuật ở phố Phùng Hưng cũng đã “quá hạn” thiết kế hai năm.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ đục thông các vòm cầu này để thực hiện dự án khác. Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho UBND các phường Phúc Tân, Hàng Mã rà soát hiện trạng những không gian công cộng, gặp gỡ nhóm nghệ sĩ tham gia các dự án về không gian nghệ thuật công cộng để tìm giải pháp”.
Theo nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, mặc dù các dự án trong không gian nghệ thuật công cộng đều có “tuổi đời” nhất định, nhưng bản thân phía chính quyền cơ sở phải nhận thức rõ điều này để triển khai các biện pháp bảo vệ, khai thác các tác phẩm; hoặc triển khai những dự án mới, với tác phẩm mới thay thế tác phẩm xuống cấp. Nếu cứ để tình trạng các tác phẩm nghệ thuật xuống cấp sẽ đi ngược lại mục đích ban đầu của những không gian này là để làm đẹp, để “nâng tầm” văn hóa, thẩm mỹ cộng đồng.
Theo GIANG NAM (Nhân Dân)