Nhân viên Vietcombank An Giang hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch
Nền tảng tư tưởng của Đảng
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một mặt trận phức tạp, quyết liệt, đòi hỏi phải có trình độ nhận thức và phải huy động được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng, phức tạp trước yêu cầu mới, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, hiệu quả của các cấp ủy, tổ chức Đảng và sự tham gia, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Nghị quyết 35-NQ/TW xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Nghị quyết chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết 35-NQ/TW xác định 6 quan điểm chỉ đạo và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhằm mục tiêu bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đối tượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là:
(1) Những quan điểm sai trái, thù địch của các học giả, các chính trị gia ở các nước tư bản chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
(2) Những quan điểm sai trái, thù địch của lực lượng cực đoan, phản động người Việt ở nước ngoài và trong nước.
(3) Những thông tin xấu, độc; lệch lạc, xuyên tạc bản chất sự thật của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đã từng là đảng viên, giữ chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta đã suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tha hóa, biến chất.
(4) Những thông tin sai lệch, thiếu chuẩn xác của một bộ phận công chúng, đặc biệt là khi họ đưa thông tin, tài liệu lên mạng xã hội thiếu độ xác thực.
Trên nền tảng của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã thành lập các website, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt; lập hàng nghìn blog, trang Facebook, Twitter, YouTube, Zalo..., để livestream, tung clip, đăng tải những nội dung xuyên tạc, bài xích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tuyến hoặc qua tiếp xúc với các cá nhân, cơ quan trong nước. Các kênh phát thanh, truyền hình trên không gian mạng được chúng tạo giao diện như thật, mô phỏng theo các kênh chính thống của Đảng, Nhà nước, nhằm lập lờ, nhào nặn trộn lẫn những thông tin đúng-sai, thật-giả, đưa thông tin giật gân, lấp lửng giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người, gây tâm lý bi quan, hoài nghi, hoang mang trong dư luận.
Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chúng ta phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi, Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức và điều kiện bảo đảm để đấu tranh, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sự kỳ vọng, điều mong muốn của Nhân dân ta: Đấu tranh giải phóng dân tộc và nguyện vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay.
Chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thật sự là “chiếc cẩm nang thần kỳ” giúp Nhân dân ta thực hiện khát vọng tươi đẹp; đồng thời, giúp Nhân dân ta thoát khỏi thân phận nô lệ.
Chúng ta phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vì nhiệm vụ xuất phát từ vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đối với quá trình xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vì “còn Đảng còn mình”, “còn Đảng còn chúng ta”.
Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân ta; đồng nghĩa với việc bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Cùng với đó, là xuất phát từ bản chất, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch. Bởi vì từ trước đến nay, các thế lực thù địch đều ra sức xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, các thế lực thù địch thực hiện mưu đồ và thủ đoạn thâm độc của chúng là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ; lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho thấy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hơn thế, còn xuất phát từ bài học kinh nghiệm xây dựng đảng, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa của một số nước ở Đông Âu và Liên Xô, đặc biệt là kinh nghiệm phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; từ sự sụp đổ của chế độ Xã hội Chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX. Họ đã mắc mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nên không bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, dẫn đến thảm cảnh: Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thành quả cách mạng đã bị các thế lực thù địch, phản động cướp mất. Nhân dân Liên Xô đã lâm vào tình cảnh “nồi da nấu thịt”. 15 nước Cộng hòa Xô viết anh em thân ái là thế đã quay lưng, cầm súng bắn vào nhau; đất nước hỗn loạn. Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina hiện nay đã nói lên điều đau đớn ấy.
Xuất phát từ thực tế bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta những năm qua, đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu trang phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bị tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật của Đảng đến mức phải xử lý pháp luật, phải tù tội. Trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, tướng lĩnh quân đội, công an, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dâ... Điều đó đã và đang làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nếu chúng ta không tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không những thành quả cách mạng đã giành được sẽ bị các thế lực thù địch, phản động cướp mất, mà còn dẫn đến tình cảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ “tự hủy hoại mình”, không thể thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là công việc thường xuyên, liên tục; không ngừng nghỉ, vì các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Hơn thế, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự sống còn của chế độ, lợi ích của quốc gia – dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Cho nên, cần hiểu đúng bản chất, thực chất bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ Nhân dân và thành quả cách mạng đã giành được.
Vì vậy, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bài bản, nghiêm túc, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Chủ thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay là cấp ủy, tổ chức đảng, đảng các cấp, toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân và cả hệ thống chính trị ở nước ta, cả đồng bào trong nước và đồng bào sinh sống ở nước ngoài.
Trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng
Là một đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Trong mọi nghiệp vụ công tác, bản thân luôn thể hiện trách nhiệm cao trong công tác, hoạt động, sinh hoạt, sử dụng mạng xã hội… Để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng viên, môi cán bộ, đảng viên cần:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai, tăng cường gắn kết hơn nữa giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ ba, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội; xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, coi trọng lấy gương “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm các vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên; đồng thời cổ vũ, biểu dương các tấm gương đạo đức, để tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và xã hội.
Thứ năm, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động.
Nếu mỗi chúng ta luôn kiên định về lập trường tư tưởng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đồng sức, đồng lòng sẽ tiếp tục đạt được những thành quả to lớn, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch ngăn chặn hiệu quả, giảm tác hại từ những âm mưu, chiêu trò, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó, góp phần ổn định tư tưởng xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
LÊ THỊ HUYỀN TRÂN