Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, hiện toàn TP ghi nhận tổng cộng 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ (Mpox). Hiện đã có 1 ca đã tử vong do có rất nhiều bệnh lý nền kèm suy giảm hệ miễn dịch.
Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, diễn tiến sức khỏe đều ổn định. Trong đó đã có 8 bệnh nhân kết thúc thời gian cách ly điều trị theo quy định của Bộ Y tế.
Đánh giá nguy cơ bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, hiện giờ Việt Nam đã phát hiện một loạt những ca bệnh đậu mùa khỉ mà nguồn lây từ trong nội địa chứ không phải xâm nhập từ các nước ngoài về. Điều đó có nghĩa là đậu mùa khỉ đã lưu hành ở trong nước Việt Nam, và vì vậy bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện các chùm ca bệnh ở một địa phương nào đó.
“Nguồn lây đã nằm trong nội địa, cho nên bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch ở một địa phương nào đó, không nhất thiết phải ở trong miền Nam mà còn có thể ở các khu vực khác. Tuy nhiên cũng rất may mắn bệnh đậu mùa khỉ, là bệnh mà ở những người mà có miễn dịch bình thường hầu như tỷ lệ tử vong rất thấp. Vì vậy chúng ta cũng không quá hoảng loạn về cái căn bệnh này”, bác sĩ Cấp cho biết.
Đồng thời, bác sĩ Cấp nhấn mạnh, đường lây của đậu mùa khỉ lây qua con đường trực tiếp, vì thế nên nếu xuất hiện các ổ dịch sẽ không lan rộng một cách nhanh chóng, mạnh mẽ như các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm hoặc COVID-19 vừa qua.
Về cơ bản, tốc độ lây của đậu mùa khỉ không quá nhanh và người nhiễm bệnh tỷ lệ tử vong cũng rất thấp nếu người nhiễm bệnh là người có sức đề kháng bình thường. Do đó, cũng không phải “đối phó” quá tập trung như các bệnh lý nguy hiểm khác.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga
“Điều khó khăn chính của việc "đối phó" với bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở nhiều địa phương là hóa chất để làm xét nghiệm khẳng định bệnh đậu mùa khỉ không sẵn có. Chỉ có một số trung tâm lớn mới làm được xét nghiệm đó. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chúng tôi hiện nay việc xét nghiệm khẳng định vẫn phải phối hợp cùng với các đối tác nước ngoài khác, do trên thị trường chưa mua sắm được hóa chất để làm xét nghiệm được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm để khẳng định căn bệnh đậu mùa khỉ trong điều kiện hiện tại”, bác sĩ Cấp cho hay.
Chia sẻ thêm về việc tổ chức cách ly khi xuất hiện ca bệnh nghi ngờ, bác sĩ Cấp lưu ý, cần bố trí ca bệnh nghi ngờ đó cách ly ở phòng riêng, không tiếp xúc trực tiếp với người khác. Với nhân viên khi chăm sóc người bệnh cần có phương tiện phòng hộ đầy đủ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đề cập đến việc điều trị căn bệnh đậu mùa khỉ, đây là căn bệnh tương đối lành tính ở những người có sức đề kháng tốt hoặc bình thường, về cơ bản chỉ cần tổ chức tốt việc cách ly 21 ngày người bệnh sẽ tự khỏi.
"Bệnh đậu mùa khỉ có đặc điểm, diễn biến bệnh cũng khá giống với bệnh thủy đậu, tức là bệnh nhân có sốt, sau đó xuất hiện các nốt phỏng ở trên da. Các nốt phỏng ấy kích thước khoảng chừng vài mm, là phỏng nước, rìa xung quanh nốt phỏng có viêm ửng đỏ. Sau khoảng 2 tuần những nốt phỏng sẽ lặn đi và hồi phục dần. Chỉ có một số trường hợp, có một vài nốt phỏng bị vỡ ra và bị bội nhiễm, bị viêm, nhiễm trùng. Trường hợp này sẽ được điều trị thêm kháng sinh", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Ngoài ra, trong quá trình điều trị ở một số bệnh nhân có thể xảy ra một số biến chứng, ví dụ như các nốt vỡ ra và có thể bị nhiễm bẩn, bội nhiễm cần điều trị thêm kháng sinh”, bác sĩ Cấp lưu ý.
Mặt khác, theo bác sĩ Cấp mặc dù bệnh đậu mùa khỉ khá giống với bệnh thủy đậu, tuy nhiên việc phân biệt thì không dễ dàng, nhất là hiện tại đang trong điều kiện mới, các thầy thuốc thậm chí nhiều nơi chưa nhìn thấy bao giờ. Vì vậy, nếu phát hiện các yếu tố nghi ngờ nên đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra.
Theo PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua con đường tiếp xúc trực tiếp, tức là lây qua tiếp xúc với máu, các dịch tiết từ các nốt phỏng và một đường lây truyền chủ yếu nhất hiện này nằm ở nhóm nam sinh hoạt tình dục đồng giới.
“Để phòng tránh, chúng ta cần tránh các hoạt động có tính chất nguy cơ, ví dụ như khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cần phương tiện phòng hộ. Với nhóm nam sinh hoạt tình dục đồng giới cần sử dụng biện pháp phòng bệnh như bao cao su, tránh các động tác lây truyền trực tiếp...”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Theo NGỌC NGA (Báo Pháp Luật Việt Nam)