2 trường hợp trẻ mắc bệnh và tử vong trong thời gian ngắn, cùng địa điểm do nhiễm vi khuẩn Whitmore là điều đáng quan tâm. Hiện nay, trung tâm tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Viện, Cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân..."- ông Cảm cho biết.
PGS-TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, 2 trẻ tử vong ở Sóc Sơn do nhiễm khuẩn Whitmore là Trần Công V. (5 tuổi) và Trần Quang H (1,5 tuổi) cùng ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn. Trong đó, bé V. vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28-10, 3 ngày sau bé tử vong và được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn huyết. 10 ngày sau đó, em trai của bé V. là H. có dấu hiệu sốt. Gia đình đưa trẻ đến các cơ sở y tế tại Sóc Sơn, sau đó chuyển trẻ lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù được cấp cứu điều trị kịp thời nhưng ngày 16-11, bé H. đã tử vong. Bệnh viện Nhi Trung ương đã lấy máu xét nghiệm đối với bé V. cho kết quả nuôi cấy dương tính với vi sinh vật Burkholderiapseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). Trường hợp bé H. cũng được lấy máu xét nghiệm và cho kết quả tương tự như anh trai mình.
Đáng lưu ý, theo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, vào khoảng tháng 3-2019, người con lớn của gia đình ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn (có 2 trẻ vừa tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore) cũng đã chết vì bệnh nhưng không phải là Whitmore. Được biết, gia đình này có 7 người sống chung (bố, mẹ và ông, bà nội của 3 bệnh nhân), ngoài 3 trẻ tử vong thì 4 người còn lại đều sức khỏe tốt, không có biểu hiện nghi mắc bệnh truyền nhiễm.
Vi khuẩn Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm
Theo một số chuyên gia dịch tễ, Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bản chất của vi khuẩn Whitmore không gây ra dịch mà gây ra các ca bệnh đơn lẻ nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể có thể ủ bệnh kéo dài, trung bình từ 2 - 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Để phát hiện một người có nhiễm khuẩn Whitmore hay không, bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Trong khi đó, vi khuẩn Whitmore có sẵn trong đất, bùn và cả không khí, nên những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động nhằm tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương. Đồng thời, người dân cũng cần che chắn bảo vệ đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt, để hạn chế cơ thể tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.
Theo SGGP