Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Trong số này, có 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,4 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 7 tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,7 tỷ USD và 3.654 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, có thể thấy trong khi vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm sụt giảm thì vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài năm nay tăng mạnh gần 78%. Nguồn vốn ngoại vẫn đăng ký nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xếp thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thứ ba là bán buôn bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,05 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 842 triệu USD, chiếm 10,2%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 16,6%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đạt 9,07 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 716 triệu USD, chiếm 6,1%; các ngành còn lại đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 16,3%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 754 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 27,9%.
Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng năm 2019; trong đó, Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 766 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 688 triệu USD, chiếm 8,3%; Tây Ninh 599 triệu USD, chiếm 7,25%; Bắc Ninh 597 triệu USD, chiếm 7,22%; Hà Nội 269 triệu USD, chiếm 3,3%...
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,78 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1,47 tỷ USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1,12 tỷ USD, chiếm 13,6%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 991 triệu USD, chiếm 12%; Singapore 942 triệu USD, chiếm 11,4%...
Việc mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Điều này được các chuyên gia trong ngoài nước đánh giá là cơ hội lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, Hiệp định EVIPA thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối.
Theo Báo Tin Tức