Bên lề những ngày “không dừng học”

28/04/2020 - 04:56

 - Không được đến trường, không được tự do đi chơi, khi hè đã bắt đầu thì các em học sinh cũng trong tinh thần… sẵn sàng quay trở lại học. Những ngày nghỉ để tránh dịch bệnh tại nhà, những tưởng sẽ rất chán, thế nhưng học sinh lại có những sân chơi bổ ích khác. Ngoài thời gian tự học và lên lớp trực tuyến, các em nhỏ còn tích cực đóng góp công sức bằng nhiều cách theo tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Em Nguyễn Tuấn Khôi (năm nay 9 tuổi, đang học lớp 3C, Trường Tiểu học “B” Nhơn Hội, An Phú, An Giang) là một trong những “nhà hảo tâm nhí” được nhiều người nhắc đến những ngày qua. Trên mình con heo đất được Khôi “nuôi” ròng rã bằng tiền tiết kiệm hơn 1 năm, cậu học trò viết bằng cả tấm lòng: “Con xin kính tặng các chú chống dịch bệnh Covid-19” và đem đến UBND xã Nhơn Hội ủng hộ 3 triệu 880 ngàn đồng.

Hiện nay, Khôi đang sống cùng mẹ, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ vào tiệm tạp hóa nhỏ, không đất sản xuất, căn nhà thuê từ người khác, chứ gia đình chưa có chỗ ở riêng. Số tiền em dành dụm hầu hết là phần thưởng của bà con khi em đạt kết quả học tập tốt và lì xì Tết. Em và mẹ dự định “nuôi” heo đất để mua chiếc ti-vi nhưng thấy việc phòng bệnh trước mắt quan trọng hơn.

Khôi tâm sự: “Con thấy mấy chú chiến sĩ phục vụ những người bị cách ly, có người ngất xỉu luôn. Con quyết định lấy tiền trong ống heo ủng hộ cho các chú phòng, chống dịch bệnh”. Tự hào về tinh thần của con, mẹ của Khôi rất vui, thời gian qua bà còn ủng hộ thịt kho, khô cho các chốt chặn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã.

Như Huỳnh với bức chân dung và lá thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Còn em Nguyễn Vũ Như Huỳnh (lớp 11C5, Trường THPT Chu Văn An, Phú Tân, An Giang) gửi gắm tình cảm của mình đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bằng việc tự tay vẽ bức chân dung của ông. Trong lá thư kèm theo, Như Huỳnh chia sẻ rất cảm kích, quý mến sự tận tâm của Phó Thủ tướng trong những ngày cùng nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“… Cháu thấy tóc bác bạc hơn rất nhiều, có lẽ do nhiều đêm phải thức trắng. Cháu cũng thấy bác gầy hơn trước, có lẽ những cuộc gọi, cuộc họp khẩn khiến bác quên chăm sóc bản thân. Bác chính là một trong những người anh hùng mà cuộc chiến cần nêu tên. Cháu cũng mong rằng sau cuộc chiến này, nhà nước sẽ tôn vinh những anh hùng tuyến đầu của cuộc chiến. Đó là những bác sĩ không quản khó khăn chăm sóc sức khỏe cho người dân, những anh bộ đội nhường nơi ở, những anh dân quân mặc mưa nắng mang vác đồ vào khu cách ly. Họ chính là những vị thần hộ mệnh cho đất nước…” - thư viết. Không học vẽ, Như Huỳnh chỉ họa chân dung vị lãnh đạo theo cảm nhận và khả năng của mình, gửi vào đó là niềm tin cả dân tộc sẽ chiến thắng đại dịch.

Học sinh tiếp tục vẽ tranh, tham gia thi “Nét chữ trái tim” cùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Bên cạnh những tấm gương cá nhân, học sinh các cấp trong tỉnh cũng tích cực chung tay phòng, chống dịch theo phát động của nhà trường qua những cuộc thi từ Trung ương đến địa phương. Sau cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, các em thiếu nhi cấp tiểu và học sinh THCS tiếp tục dự thi chương trình “Nét chữ trái tim” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp các doanh nghiệp tổ chức. Trong đó, học sinh tiểu học trổ tài viết chữ đẹp, chép lại những bài thơ được quy định sẵn về quê hương, đất nước, mái trường, tinh thần chống “giặc” Covid-19… bằng bút máy luyện chữ.

Còn học sinh THCS sẽ nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình về tình hình chống dịch bệnh hiện nay, khơi dậy khả năng nghị luận xã hội, biểu cảm thông qua dòng tâm sự, cảm xúc, niềm tin của thiếu nhi đối với đất nước. Từ phương tiện truyền thông, nhà trường, gia đình để hiểu về dịch bệnh, và dùng trái tim cảm nhận, hàng chục bài dự thi đã gửi đến nơi tiếp nhận.

Nhiều bài thi đã có những câu viết rất xúc động, thấy được sự nỗ lực của những anh hùng trực tiếp trong cuộc chiến, tuy vất vả nhưng luôn vẽ lên bức tranh lạc quan cho bệnh nhân và những người xung quanh. Các em được bày tỏ tình yêu, sự tri ân của mình, rèn kỹ năng chữ viết và giúp những ngày “tạm dừng đến trường” trở nên thú vị, ý nghĩa hơn. Quan trọng không phải là giải thưởng, mà ở nhận thức và tình cảm, cách đóng góp của mỗi em, dù tuổi nhỏ nhưng luôn biết đóng góp theo khả năng của mình.

MỸ HẠNH