Bến quê

23/08/2024 - 05:19

 - Lắm lần xuôi ngược, tôi bắt gặp hình ảnh bến nước ven sông nằm lặng lẽ bên cuộc sống con người. Sinh ra từ nếp sống dân quê, những bến nước ấy vẫn là nơi nuôi dưỡng thói quen của người miền Tây, giữ gìn chút kỷ niệm của những ai sinh ra, lớn lên bên cạnh dòng sông hai buổi lớn, ròng.

Trong những lần về xứ đầu nguồn An Phú, tôi vẫn còn gặp lại bến nước thân thương nằm cạnh dòng sông xuôi chảy. So với thời tôi còn hớt tóc húi cua, bến quê ở xứ đầu nguồn cũng không khác mấy. Hình ảnh đó cứ đập vào mắt, gợi nhớ lại một phần ký ức xa xôi của những đứa thuộc thế hệ 8X như tôi.

Với dân quê miền Tây ngày ấy, bến nước cặp bờ sông, bờ kênh là thứ gì đó không thể thiếu. Hồi thời đường đất “ổ gà”, “ổ voi” đầy rẫy, bến quê là nơi người ta tấp xuồng vô, đẩy xuồng ra để mua đủ thứ đồ lặt vặt cho cuộc sống.

Với các bà, các mẹ, bến quê là nơi họ sơ chế cá mắm, lặt rau, rửa chén, giặt giũ…. Cánh đàn ông, bến nước ven sông là chỗ để họ tắm, cũng là nơi bắt đầu những cuộc mưu sinh. Với đám con nít, bến quê là một góc tuổi thơ, với đủ thứ trò tinh nghịch.

Bến quê - nơi lưu giữ một phần ký ức của người miền Tây

Còn nhớ những ngày tháng xa xôi ấy, đi học về, ăn vội chén cơm là mấy đứa tôi rủ nhau ùa xuống bến. Nơi tôi ở, ngày trước con kênh đào nước còn trong vắt, vì nhận nguồn trực tiếp từ sông Hậu. Những buổi trưa oi ả, được ngâm mình dưới làn nước trong veo thì không gì sánh được.

Cũng từ cái bến quê ấy, tôi đã biết bơi sau hàng chục lần uống nước. Cũng từ cái bến quê ấy, đám con nít chơi đuổi bắt nhau râm ran cả một khúc sông. Đuổi bắt chán, lại rủ nhau leo lên cây, rồi nhảy ùm xuống nước với đủ thứ tư thế nhào lộn. Bây giờ nghĩ lại, mới hiểu tại sao đám học trò lại xếp “thứ 3” trong câu nói của ông bà xưa!

Mà hồi ấy, hầu như nhà nào ở cạnh bờ kênh, bờ sông cũng tạo cho mình cái bến. Tùy vào điều kiện, họ có thể làm bằng tre, bằng gỗ tạp hoặc sang hơn là xây hẳn cầu xi-măng cho kiên cố. Có những trường hợp, người ta tận dụng những rễ cây to sống cạnh bờ sông, bị lở đất lộ hẳn ra để làm cái bến - miễn sao cho tiện.

Chẳng giống làng quê Bắc Bộ, bến quê miền Tây không có cội đa già mà chỉ có cây ô môi, cây me tây tỏa bóng mát quanh năm. Những loài cây này ngoài việc dễ trồng, dễ sống còn có cả mùa hoa dân dã. Những ngày ô môi trổ bông, bến quê đẹp hiền hòa với sắc tím rụng rơi xuống dòng nước trong xanh. Khi đó, tôi lại cùng đám bạn có thêm món ăn chơi với trái ô môi thơm ngọt, nhưng cũng là thử thách với mấy đứa có hàm răng sún.

Điểm đặc biệt, nhiều gia đình vì đời sống gắn chặt với bến sông nên họ cũng rất quan tâm đến góc quê này. Khi màu nước nhuộm đỏ sắc phù sa thì cũng là lúc cánh đàn ông bắt đầu quan tâm đến bến nước hơn thường lệ.

Vì chiếc cầu dưới bến không tự nỗi lên được, nên cứ dăm bữa, nửa tháng người ta lại phải nâng độ cao của bến một lần. Có khi hết mùa nước nổi, phải dời bến tới 3 - 4 bận. Cực là thế, mà chẳng ai chịu dời bến thật cao, bởi các bà, các mẹ còn phải tính sao cho  khoảng cách từ chiếc cầu đến mực nước đủ để họ tiện việc giặt giũ, bếp núc.

Theo thời gian, bến quê vẫn tồn tại trong đời sống dân quê

Theo thời gian, bến nước sông quê cũng ngơi dần vai trò của nó. Người quê bây giờ có nước máy chạy đến bếp, nên chẳng mấy ai xuống bến làm gì. Rồi cuộc sống đổi thay, bến quê cũng không còn là nơi nhiều người bắt đầu cuộc mưu sinh.

Đám con nít thì lại càng vắng bóng. Ở quê, người ta chỉ cho con đi tắm, đi tập bơi ở những hồ bơi có đầu tư bài bản, lại đảm bảo an toàn. Vì thế, hiếm khi thấy được hình ảnh những cậu nhóc vui vẻ ngụp lặn ở bến quê. Nếu có, cũng phải về đến vùng quê xa xôi nào đó, khi đời sống người dân vẫn còn đậm chất mộc mạc của miền Tây.

Hôm lặn lội đi tìm mùa lũ, tôi may mắn được gặp lão nông vui tính. Ông đang miệt mài dựng lại cái bến nước dưới nhà, cặp bên dòng kênh Trà Sư lộng gió. Ông bảo, đời dân câu lưới còn cần cái bến sông nhiều lắm. Bởi từ nó, họ bắt đầu cuộc mưu sinh.

Nhờ nó, họ rộng lại mớ cá kiếm được sau chuyến đi cần lao. Cũng từ nó, họ đem cá lên bán chợ để có nguồn thu. Đó là chưa kể, cái nghề “bà cậu” gạo chợ nước sông, không có bến thì lấy gì để nấu nướng, giặt giũ. Vì dân quê còn cần tới, nên bến sông vẫn cứ tồn tại theo con nước lớn, ròng.

Có thể, người ở phố thị chẳng mấy khi “chạm” tới bến nước sông quê, nhưng bất cứ ai sinh ra, lớn lên, có dịp tắm mình dưới dòng nước phù sa thì nó thân thuộc lắm. Với họ, với tôi, bến quê vẫn mãi là ký ức, nuôi dưỡng một phần kỷ niệm tuổi thơ, để bản thân dù có đi đâu, cũng không bao giờ quên mảnh đất quê mình!

THANH TIẾN