Bệnh bạch hầu và biện pháp phòng bệnh

20/07/2022 - 09:15

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân sẽ có giả mạc ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi…

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine phòng bệnh. Năm 1923, vaccine giải độc tố bạch hầu ra đời, nhưng đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam vẫn chưa thanh toán được bệnh bạch hầu.

Theo Bộ Y tế, năm 2021, cả nước chỉ ghi nhận 6 ca mắc bạch hầu. Tuy nhiên, trong số đó có chùm 5 ca bệnh tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và 1 trường hợp tại tỉnh Gia Lai. Mặc dù số mắc bạch hầu năm 2021 đã giảm, song nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là hiện hữu trong tình hình tỷ lệ tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib và DPT4 tại nhiều tỉnh đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu:

- Viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau; da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng vùng cổ.

- Khám thấy có giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh nơi bị viêm, nếu bóc giả mạc ra sẽ gây chảy máu và vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết (ửng đỏ).

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác, viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.

Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu:

- Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với ngành y tế cho con đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ.

- Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng, có đủ ánh sáng.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà bông với nước sạch, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, ăn chín, uống chín.

- Thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ theo lịch.

- Trong cộng đồng, khi phát hiện có người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh bạch hầu, mọi người cần báo ngay với y tế địa phương để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Tại cơ sở y tế, cần phân luồng khám, chữa bệnh hợp lý để phòng, tránh dịch bệnh lây lan.

Nguyễn Phú Hữu

(Trung tâm Y tế TX. Tân Châu)