Bệnh nhân COVID-19 thường trở nặng vào giai đoạn nào?

29/08/2021 - 08:59

Người mắc COVID-19 thường trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh. Đặc biệt, bệnh dễ diễn tiến nặng với những người béo phì, mắc bệnh mạn tính.

Giai đoạn bệnh nhân Covid-19 thường trở nặng

Theo bác sĩ CKI Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (TP.HCM), bệnh nhân Covid-19 thường trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh. Đặc biệt, bệnh dễ diễn tiến nặng với những người có cơ địa béo phì, bệnh nền, bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh hệ thống, suy gan thận...) và người trên 50 tuổi.

“Tuy vậy, gần đây vẫn có nhiều bệnh nhân trẻ chuyển nặng cần thở oxy nên tất cả các bạn trẻ vẫn phải lưu ý phòng và chống dịch, không được chủ quan”, bác sĩ Tứ Phương nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Tứ Phương, vì là bệnh do virus, nên nếu người mắc Covid-19 ít yếu tố nguy cơ (già, bệnh nền, béo phì...), chúng ta sẽ vượt qua được mà không cần nhập viện.

“Người nhiễm SARS-CoV-2 chỉ cần điều trị triệu chứng: bị cái gì, uống thuốc trị cái đó. Nhưng nếu diễn tiến xấu, có tổn thương phổi như: thở mệt, khó thở, thở nhanh > 20 lần/phút, hoặc SpO2 <=95% (chỉ số SpO2 bình thường là 99%), bệnh nhân phải phải được xử trí sớm tại chỗ và nhập viện để theo dõi, điều trị tiếp”, bác sĩ Tứ Phương chia sẻ.

Xử trí trong những ngày đầu của bệnh như thế nào?

ThS.BS Trần Thị Hoa Vi - Giảng viên Bộ môn Y học gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ tư vấn Tổng đài 1022, chia sẻ cách xử trí những ngày đầu khi mắc Covid-19.

Theo bác sĩ Hoa Vi, chúng ta cần xác định ngày đầu tiên của bệnh. Với những F0 không triệu chứng, dùng ngày được làm xét nghiệm RT-PCR dương tính hay ngày làm test nhanh kháng nguyên dương tính là ngày 1 của bệnh.

Với những người có triệu chứng: ho, rát họng, mệt mỏi, sốt… thì xác định ngày bắt đầu có các triệu chứng là ngày 1 của bệnh.

Nếu trong nhà có nhiều người F0, cần có 1 người trong gia đình viết ra các thông tin: Họ tên từng thành viên, ngày khởi bệnh của từng thành viên, để có thể theo dõi tốt các ngày tiếp theo. Mỗi ngày đo 2 lần (sáng, chiều) nhiệt độ, mạch, huyết áp, của các thành viên trong gia đình.

Dụng cụ cần là máy đo huyết áp điện tử ở cánh tay, nếu có điều kiện, gia đình có thể mua dụng cụ đo độ bão hòa oxy trong máu (máy đo SpO2). Nếu không có máy đo SpO2, bạn cũng có thể tải ứng dụng điện thoại về dùng tạm (CarePlix Vitals, Pulse monitor...). Sau khi đo, chúng ta ghi chú lại, ví dụ theo bảng sau cho từng thành viên F0 trong gia đình:

80% bệnh diễn tiến với các triệu chứng giống các đợt nhiễm cảm cúm trước đây mọi người hay mắc. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như ho, đau rát họng, đau đầu, đau ê ẩm khắp người… Trong những ngày đầu của bệnh (ngày 1 đến ngày 4), người nhiễm Covid-19 cần nghỉ ngơi tuyệt đối, ngủ đủ giấc, không hoang mang lo lắng, không gắng sức.

Khi sốt, bệnh nhân uống 1 viên Panadol 500 mg 1 viên/lần mỗi 4-6 giờ khi sốt cao liên tục, người béo phì có thể uống viên Panadol hàm lượng 650mg cho 1 lần uống.

Nếu trong gia đình có trẻ em cũng bị F0, gia đình tính liều thuốc hạ sốt như mọi lần bé bị nhiễm siêu vi, cảm cúm. Đó là 15mg/kg cho 1 lần uống và khoảng cách để uống thuốc cũng là 4-6 giờ một lần.

Ví dụ bé 15kg, 15x15 = 225mg, vậy có thể mua gói Hapacol 250mg cho bé uống 1 gói mỗi 4-6 giờ. Khi bệnh nhân sốt cao cũng có thể có triệu chứng đau đầu, đau nhức cơ nhiều, thuốc hạ sốt cũng giúp giảm đau đầu, đau cơ.

Khi có triệu chứng ho, đau rát họng, bạn có thể uống các loại thuốc ho thảo dược hay các phương pháp dân gian như tắc (quất) chưng đường phèn, tần dày lá, siro ho của trẻ em như Prospan (cũng có loại cho người lớn).

Ho có thể rất nhiều làm bệnh nhân và người nhà lo lắng, nóng vội uống kháng sinh và các thuốc ức chế ho là điều không nên. Khi ho nhiều, bạn có thể uống 1 ngụm nước ấm để cắt cơn ho. Người bệnh nên súc họng nước muối ấm pha loãng mỗi ngày 2 -3 lần, sáng trưa tối.

Việc tiếp theo, người chăm sóc cần làm là hướng dẫn cả nhà tập thở. Bệnh Covid-19 nguy hiểm vì gây tổn thương phổi một cách thầm lặng, gây giảm oxy máu mà bệnh nhân lại không cảm nhận được triệu chứng khó thở. Đến khi nồng độ oxy máu giảm rất thấp, bệnh nhân mới thấy khó thở và có triệu chứng tím tái, suy hô hấp, lúc này xử trí cấp cứu có thể không kịp. Do đó việc tập thở từ giai đoạn sớm giúp hạn chế tổn thương phổi của bệnh Covid-19. Cách tập như sau:

Tập hít sâu một cách nhẹ nhàng từ từ rồi thở ra bằng miệng, khi tập thở cũng chỉ nghĩ đến hơi hít vào, thở ra, không nghĩ những vấn đề khác để cơ thể thư giãn.

Bạn tập liên tục 15 phút cho mỗi lần. Tập như vậy ở nhiều tư thế: nằm ngửa, nằm nghiêng trái, nằm nghiêng phải, nằm sấp. Ví dụ tập hít sâu thở chậm ở tư thế nằm ngửa 15 phút. Sau đó, nếu không mệt, bạn tập tiếp 15 phút ở tư thế nằm nghiêng trái, nghiêng phải, nằm sấp. Nếu thấy mệt, bạn ngưng tập, khi nào khỏe lại tập tiếp.

Việc tập thở ở nhiều tư thế rất quan trọng. Khi tập thở ở nhiều tư thế giúp cải thiện vấn đề này và việc thông khí của bệnh nhân tốt hơn, giảm tổn thương các phế nang nhiều hơn. Việc tập thở nên duy trì liên tục trong thời gian mắc bệnh.

Cũng theo BS Hoa Vi, Bệnh sẽ thường trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh, từ chuyên môn hay gọi thời điểm này là thời điểm có thể xảy ra cơn bão cytokine, bệnh nhân trở nặng do chính phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Trường hợp theo dõi F0 tại nhà, thấy bệnh nhân thở nhanh trên 30 lần/phút, SpO2 tụt liên tục < 93%, gia đình gọi ngay 115 hay 1055 và các đường dây nóng của y tế địa phương để được chuyển bệnh nhân nhập viện điều trị.

Theo NGỌC TRANG (Vietnamnet)