Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi hồi phục sức khỏe
Trước đó, Bệnh viện Sản- Nhi An Giang tiếp nhận bé gái 13 tuổi, được mẹ đưa vào bệnh viện do mệt và tím, nôn ói 3-4 lần. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co gồng 2 tay, môi tím, thở hước, SpO2= 70-74%, tím toàn thân.
Nghi ngờ bé bị ngộ độc, các bác sĩ đã test nhanh chẩn đoán MetHemoglobin. Kết quả xác định, bệnh nhi bị ngộ độc Methemoglobin, mức độ nặng, cần sử dụng chất đối kháng Methylen Blue truyền tĩnh mạch.
Tuy nhiên, đây là thuốc hiếm, không có sẵn ngay cả các bệnh viện lớn, mà bệnh nhi lại trong tình trạng nặng. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Sản-Nhi An Giang lập tức hội chẩn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và tiến hành thay máu khẩn cho bé.
Sau hơn 6 giờ thay máu, tình trạng bé cải thiện dần, da niêm hồng hào hơn, bé tỉnh táo hẳn, tự thở tốt, được rút ống thở ngay sau khi thay máu. Bệnh ổn định hơn và xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Ngộ độc MetHemoglobin thường do ăn uống, có tiếp xúc với các chất gây MetHemoglobin thường gặp như: Muối nitrit (hay gặp trong củ dền, cà rốt, nước giếng…), anilin và dẫn xuất, thuốc nhuộm, sơn, nhựa tổng hợp, mực in, Nitrobenzen, Nitrotoluen, loài nấm thuộc chi Gyromitra (nấm mão), thuốc điều trị, như: Xanh metylen, amylnitrit, acid axetylsalisilic, phenaxetin, sulfamid, nitroglycerin, có thể gây ngộ độc khi sử dụng quá liều hoặc nhầm lẫn…
Các triệu chứng nghi ngờ nhiễm MetHemoglobin khi da niêm xanh tím (dấu hiệu quan trọng nhất), đau đầu, mệt mỏi, thở dốc, khám thấy gan to và ấn đau vùng gan, xét nghiệm máu thấy MetHb tăng cao, tiểu thể Heinz trong hồng cầu, billirubin máu tăng và bệnh sử sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất gây độc…
HẠNH CHÂU