Biểu tượng bất diệt của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

30/10/2023 - 14:34

“Đó là sự giúp đỡ cao đẹp, không đòi hỏi đền đáp, sự giúp đỡ quý báu, vô giá, giúp đỡ vì mối quan hệ hợp tác hữu nghị”.

Liên quân Lào – Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào, Đại tướng Vilay Lakhamphong đã chia sẻ như vậy khi nói về sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Cách đây 74 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là không chỉ là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, mà còn khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Kể từ đó, ngày 30/10/1949 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.
Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh sang Lào, cùng kề vai sát cánh với các cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Lào và nhân dân các dân tộc Lào tích cực hoạt động, giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, giành được nhiều chiến công vang dội, cùng với quân đội và nhân dân Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975).

Với những thành quả đạt được, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam giao phó, mà còn có những đóng góp to lớn tạo dựng nên mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và Lào – Việt Nam ngày nay.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào, sự thủy chung, trong sáng, luôn hết lòng vì bạn Lào, cùng sự hy sinh vô bờ bến và những chiến công hiển hách của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, được các lãnh đạo và nhân dân Lào luôn khắc ghi, coi đó là một biểu tượng bất diệt của mối quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai trên thế giới giữa hai nước Lào – Việt Nam anh em.

Trong phát biểu chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (năm 1976), đồng chí Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khi đó đã khẳng định: “Trong mọi sự thành công của Cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của Cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân trao cho”.

Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone nhớ lại: "Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều giúp đỡ lẫn nhau… các trận chiến trên cả nước Lào từ Bắc-Trung-Nam đều có quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân đội nhân dân Lào của chúng tôi. Đó là truyền thống, đó là lịch sử mà hai Đảng, hai nước chúng ta đã tạo dựng, giúp cho mối quan hệ gắn bó giữa hai nước chúng ta, nhất là giữa hai quân đội, đến bây giờ vẫn trường tồn và ngày càng gắn kết".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath, nhấn mạnh: “Mục đích chính của Việt Nam trong việc cử quân tình nguyện, chuyên gia quân sự sang giúp Lào là để thực hiện nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào tiến hành cuộc cách mạng, đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước Lào, giúp Lào trở thành một đất nước độc lập, hòa bình, dân chủ và thịnh vượng, đúng theo ý nguyện của Đảng, nhân dân các dân tộc Lào là đưa Lào trở thành một đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng và ý nguyện này hiện đã trở thành hiện thực”. Bộ trưởng Quốc phòng Lào nêu rõ: "Hành động cao cả này đã góp phần tạo nên mối quan hệ hữu nghị đặc biệt vĩ đại của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và Nhân dân hai nước Lào và Việt Nam”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào, Đại tướng Vilay Lakhamphong bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng biết ơn và ghi nhận sự hy sinh to lớn của các thế hệ chuyên gia dành cho Cách mạng Lào. Các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã cử những người con, người cháu, những người mà các đồng chí yêu thương nhất, cử những cán bộ ưu tú nhất, sang giúp Cách mạng Lào chúng tôi. Các đồng chí chuyên gia đã không quản ngại khó khăn, hy sinh xương máu, mồ hôi, công sức, tuổi trẻ chỉ với mong ước cháy bỏng là giúp Cách mạng Lào giành thắng lợi, đất nước Lào được giải phóng”.

Sau khi hòa bình lập lại, hai Đảng, hai nước tiếp tục đồng hành, kề vai, sát cánh trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, cùng đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, điều không chỉ góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển của mỗi nước mà còn giúp tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào theo hướng ngày càng sâu sắc, gắn bó. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam, ông Khamjane Vongphosy, nhận định: “Quan hệ hợp tác Lào – Việt Nam ở mọi lĩnh vực đang ngày một tăng cường và đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước, việc phát huy những thành tựu to lớn trong quan hệ đặc biệt và truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, đặc biệt là truyền thống vẻ vang của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trong diễn văn đọc tại thủ đô Hà Nội ngày 18/7/2022 nhân dịp kỷ niệm 45 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta. Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần ‘giúp bạn là giúp mình’, xem đây là nhiệm vụ chiến lược; mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào không ngừng bồi đắp tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục đào tạo, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng; cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ đặc biệt Việt-Lào, cũng như kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước”.

Trong diễn văn đọc tại thủ đô Viêng Chăn cùng ngày nhân sự kiện trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn kiên quyết và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mãi mãi trường tồn, tăng cường và nâng cấp sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước”.

Trên nền tảng của mối quan hệ đặc biệt đã được trui rèn thử thách qua nhiều thập kỷ, cùng với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao nhất, tin tưởng rằng, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đến đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hai nước Việt Nam và Lào anh em cũng sẽ luôn giữ vững, bảo vệ và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện, giúp cho quan hệ này ngày càng được củng cố, phát triển, năng động, hiệu quả và thiết thực hơn, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước và mãi mãi trường tồn với thời gian.

Theo TTXVN