14 ca Covid-19 nặng phải thở máy
Ngày 18/4, theo Bộ Y tế, cả nước có 1.522 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng gần 400 ca so với hôm qua. Trong ngày, có 104 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cả nước hiện có 831 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Trong đó, có 102 bệnh nhân nặng bao gồm thở oxy qua mặt nạ là 79 ca, thở oxy dòng cao HFNC là 9 ca, còn lại 14 ca thở máy xâm lấn, hiện không có bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hồi sức tim phổi màng ngoài cơ thể). Số liệu này có được từ hệ thống báo cáo của 15 tỉnh/thành (chưa bao gồm TP.HCM) và 2 bệnh viện.
Ngày 17/4, ngành y tế đã tiến hành tiêm 4.854 liều vắc xin phòng Covid-19.
Đến hết ngày 17/4, có 14 bệnh nhân Covid-19 nặng, đang thở máy. Nguồn: ncov.kcb.vn
Hà Nội là một trong số các địa phương có số ca đang điều trị tại viện cao với 316 trường hợp, trong số này có 33 bệnh nhân ở mức độ nặng.
Để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa tiếp nhận và phân bổ 17.850 liều vắc xin AstraZeneca để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, huyện Sóc Sơn được phân bổ số lượng vắc xin nhiều nhất là 1.420 liều, tiếp đến là quận Nam Từ Liêm (1.310 liều), Bắc Từ Liêm (1.220 liều), Đống Đa (1.060 liều)…
Các địa phương tại Hà Nội cũng được yêu cầu sử dụng vắc xin hiệu quả, bảo đảm tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định theo hướng dẫn, tránh lãng phí; sử dụng hết trước hạn sử dụng, không để tình trạng hủy vắc xin.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở y tế đang tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết gần 150 ca Covid-19 đang điều trị tại đây. Đa số bệnh nhân đều ở mức độ nhẹ, trung bình, được các bệnh viện khác chuyển đến phần lớn vì có bệnh nền đi kèm, được phân luồng điều trị ở Khoa Virus - Ký sinh trùng.
Toàn viện có 13 ca nặng có yếu tố Covid-19 phải thở máy, 10 ca phải thở oxy. Lãnh đạo bệnh viện này khẳng định tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng trên tổng số ca nhập viện không tăng đáng kể.
Để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, bệnh viện đã thành lập đường dây nóng. "Hệ thống này duy trì từ khi có dịch Covid-19 đến nay, đợt dịch sốt xuất huyết vừa qua hoạt động rất tốt. Đây là kênh để các bệnh viện liên hệ chuyển tuyến cho bệnh nhân. Điều này giúp nơi chuyển bệnh nhân đi đã có xác nhận là bên nhận đã chuẩn bị sẵn sàng để đón, đồng thời bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo an toàn trên đường vận chuyển", đại diện bệnh viện nói với VietNamNet.
Ở TP.HCM, tuần từ ngày 12 đến 16/4, trung bình mỗi ngày ghi nhận 7 ca Covid-19. Riêng ngày 15/4, hệ thống giám sát ghi nhận 12 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 181 ca Covid-19.
Về số ca mắc cần nhập viện, Sở Y tế cho biết, từ ngày 3 đến 11/4, TP có 1-2 ca cần nhập viện nhập viện điều trị. Tuy nhiên, từ ngày 12 đến 16/4, con số này là là 8-12 ca.
Về độ nặng của bệnh, ngày 16/4, TP ghi nhận 13 ca nhập viện cần hỗ trợ oxy, trong đó 4 trường hợp thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC). Hiện chưa có trường hợp nặng cần phải thở máy xâm lấn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, mặc dù số ca mắc Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm. Tháng 9/2022, tỷ lệ người dân TP.HCM có miễn dịch với SARS-CoV-2 là 98,7%, nay giảm còn 96,7%.
Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc tăng cường vận động người dân đi tiêm vắc xin để duy trì miễn dịch cộng đồng ở mức cao, đặc biệt với người thuộc nhóm nguy cơ là cần thiết. Sở Y tế đang tham mưu UBND TP kích hoạt lại "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.
Sẽ cập nhật thuốc điều trị Covid-19
Liên quan đến công tác điều trị Covid-19, trao đổi với VietNamNet sáng 18/4, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị Covid-19. Dự kiến, trong tuần này, hội đồng chuyên môn sẽ họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới.
"Hướng dẫn chẩn đoán sẽ không thay đổi nhiều, phần điều trị chủ yếu sửa đổi, cập nhật thêm các thuốc do đã có những nghiên cứu, bằng chứng mới trong điều trị", ông Khoa cho hay.
Theo vị lãnh đạo, việc rà soát, cập nhật hướng dẫn này được thực hiện thường xuyên khi có các thông tin khoa học mới trên thế giới và hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không phải vì có diễn biến mới của dịch và bệnh nhân trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, việc cập nhật sẽ được đẩy nhanh hơn để phù hợp tình hình dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, việc cập nhật hướng dẫn điều trị là điều bình thường trong y khoa. Trong 3 năm dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng nhiều lần ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh. Phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới gần đây cũng có sự thay đổi do có nhiều kết quả nghiên cứu, bằng chứng khoa học được cập nhật, nhiều vấn đề được sáng tỏ.
Chưa ghi nhận sự thay đổi triệu chứng của các F0 tại Việt Nam
Hiện nay, một số triệu chứng lâm sàng của Covid-19 được thế giới ghi nhận có thay đổi như một số ca có viêm kết mạc, đau mỏi cơ, chân tay. Đối với bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các triệu chứng đặc hiệu chưa ghi nhận sự thay đổi so với trước đây, nhiều bệnh nhân không triệu chứng.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, triệu chứng bệnh không phải là điểm quá quan trọng trong chẩn đoán, do chẩn đoán vẫn phải qua xét nghiệm.
Theo các chuyên gia, việc tập huấn, nhắc nhớ lại cho nhân viên y tế rất cần thiết, đặc biệt là với những người mới. "Việc tập huấn này sẽ được thực hiện sau khi có cập nhật hướng dẫn điều trị mới", ông Khoa nói.
Theo Vietnamnet