Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội (Ảnh: Trần Hải).
Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 là dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Đó là sự chuyển đổi từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh bằng mọi giá sang sống chung với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch với việc thực hiện chính sách mở cửa.
Việc ban hành Nghị quyết 128 được đánh giá là kịp thời, đúng đắn; được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng đóng băng trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian trước; là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Việc ban hành Nghị quyết 128 được đánh giá là kịp thời, đúng đắn; được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng đóng băng trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian trước; là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
|
Đáng chú ý, Nghị quyết 128/NQ-CP được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các đối tác quốc tế. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với dịch mà cần sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Nghị quyết là văn bản quan trọng giúp cân bằng phát triển xã hội nói chung cũng như áp dụng các biện pháp y tế công cộng.
Qua một năm triển khai cho thấy Nghị quyết 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay.
Thời điểm cuối tháng 9/2021, tăng trưởng GDP giảm rất sâu, -6%. Nguyên nhân bởi khi đó thực hiện kiểm soát dịch bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân để hạn chế sự lây lan. Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời đã tạo bước ngoặt mạnh mẽ, tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế, ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả tăng trưởng dương.
Đáng chú ý, Nghị quyết 128/NQ-CP và Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế. Sự phục hồi của nền kinh tế được duy trì. Kết quả tăng trưởng kinh tế vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy quý III và chín tháng năm 2022, tăng trưởng GDP khá ấn tượng, lên tới hai con số, đó là 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 và bình quân chín tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức cao.
Dịch COVID-19 được kiểm soát là tiền đề quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế, nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay công tác chống dịch vẫn cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, hiện tại dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Dịch COVID-19 được kiểm soát là tiền đề quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế, nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay công tác chống dịch vẫn cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
|
Vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch, cho nên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đáng chú ý, mặc dù tình hình dịch trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian; nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cho nên mọi người vẫn phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người chung quanh.
(Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam)
|
Ngoài ra, hiện nay đất nước mở cửa, dịch bệnh mới nổi xâm nhập là khó có thể tránh khỏi. Vì vậy, Thứ trưởng Y tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch...
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, nêu rõ, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cho nên mọi người vẫn phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người chung quanh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích mọi người tuân theo các nguyên tắc 2K+ plus, tức là đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên và quan trọng là tiêm vaccine phòng bệnh. Mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ theo lịch của cơ quan y tế; cần đẩy mạnh tiêm chủng ở trẻ em. Về phía Chính phủ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch COVID-19 và chủ động, sẵn sàng năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị các điều kiện y tế trong trường hợp dịch có thể bùng phát ở mức độ cao. Ngoài ra, chú trọng các biện pháp linh hoạt, thích ứng về y tế công cộng để bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Nhân Dân)