Buồn, vui chờ… tăng lương

25/06/2024 - 15:02

 - Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng 30% so với mức hiện hưởng, tương đương tăng 2,34 triệu đồng/tháng. Song song với niềm vui, thì nỗi lo thường trực là giá cả tăng theo lương khiến nhiều người băn khoăn...

Cô Bùi Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã công tác được 18 năm. Cô nhẩm tính, nếu được tăng lương theo thông tin đã đưa, mức lương của cô sẽ tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên khoảng 11-12 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, giáo viên rất mừng vì khoản phụ cấp nghề nghiệp được giữ nguyên. Vui là vậy, nhưng đối với giáo viên mầm non nếu nhìn trên tổng thể, thì thu nhập vẫn còn thấp. Công việc của giáo viên mầm non được quy định về thời gian và mức hỗ trợ cụ thể, tuy nhiên thực tế có rất nhiều khó khăn phát sinh. Chẳng hạn, quy định giáo viên có mặt tại trường là 6 giờ 45 phút, nhưng thực tế từ 6 giờ sáng các cô đã phải đến trường để đón học sinh và vệ sinh phòng học. Họ còn có nhiều việc trong lớp ngoài nhiệm vụ dạy học, giáo viên dạy bán trú trực buổi trưa, nhưng không có tiền trực...

Đặc thù công việc của giáo viên mầm non rất nhiều vất vả

Đặc thù ở bậc mầm non, tiết học nào cũng cần đồ dùng dạy học, hiện nay còn ứng dụng thêm phương pháp STEAM. Theo ngành quy định, phụ cấp thêm cho giáo viên mầm non làm đồ dùng dạy học là 500.000 đồng, vốn không thể đủ mua sắm các nguyên liệu. Về thu phí dịch vụ đối với giáo viên mầm non bán trú, bình quân 1 giáo viên được nhận thêm 200.000 đồng/tháng, tuy nhiên vẫn phải chia ra theo đúng mức nhà nước cho phép...

“Các chính sách dành cho giáo viên nói chung và giáo viên mầm non thời qua được quan tâm khiến chúng tôi phấn khởi, ấm lòng. Dù còn nhiều khó khăn, giáo viên rất tâm huyết và yêu nghề, cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Vì vậy chúng tôi rất mong có một khoản ưu đãi riêng cho ngành, dù ít hay nhiều, bởi được quan tâm và cảm thông" - cô Trang chia sẻ.

Giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhẹ ngay thời điểm lên phương án tăng lương

​Bên cạnh những trăn trở riêng về đặc thù nghề nghiệp, nhiều người bày tỏ lo lắng khi đối phó với vật giá leo thang bên ngoài.  Ngay thời điểm có thông tin về phương án lương nhiều tháng trước, chi phí sinh hoạt đã tăng 15% chứ không đợi đến lúc này. Thời gian qua, mỗi đợt tăng lương đều kèm theo điệp khúc giá cả bên ngoài đi trước đồng lương. ​

Ông Đặng Văn Giàu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chia sẻ: “Hay tin từ tháng 7 được tăng lương cho công chức, viên chức, tôi và các đồng nghiệp cơ quan hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại vật giá thị trường sẽ tăng theo. Mong Chính phủ có giải pháp ổn định vật giá, để chúng tôi không phải lo sinh hoạt chạy theo giá thị trường, có như vậy cuộc sống mới ổn định hơn.”.

Cùng nỗi niềm này, chị H.H., công chức ở huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) bày tỏ, nhiều lần tăng lương trước đây đều xảy ra tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng khiến nhiều người không thể lo ngại. Để việc tăng lương là niềm vui trọn vẹn, không làm mất đi ý nghĩa của việc lương, hy vọng Chính phủ sẽ tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát chặt về giá, ổn định kinh tế…

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng lương cơ bản là điều công chức, viên chức luôn mong chờ. Hơn 1 tháng qua, từ trong những chỉ phí nhỏ để ý sẽ thấy, giá nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng, như mì gói loại rẻ nhất mua ngoài tiệm tạp hóa là 10.000 đồng được 3 gói, nay đã tăng lên 12.000 đồng.

Nơi tôi sống cạnh khu công nghiệp Bình Hòa, xung quanh có rất nhiều nhà trọ, có thể thấy nếu các chi phí sinh hoạt, hàng hóa tăng theo đồng lương, thậm chí đi trước đồng lương, với công chức, viên chức cũng là một bài toán để cân bằng chi tiêu, huống hồ công nhân lao động sẽ thêm gánh nặng lo toan…”.

Người dân khám bệnh bằng sổ bảo hiểm y tế

Bên cạnh đó, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, những chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Người thứ 1, tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình đóng 972.000 đồng/năm sẽ tăng lên 1.263.600 đồng/năm (tăng 291.600 đồng). Người thứ 2, tính bằng 70% mức đóng của người thứ 1; người thứ 3, bằng 60%; người thứ 4, bằng 50% và người thứ 5 trở đi được tính bằng 40% mức đóng của người thứ 1.

Theo đó, tất cả các loại chi phí khi đi khám chữa bệnh sau ngày 1/7/2024 đều có sự điều chỉnh tăng. Đây là trăn trở của phần lớn người sống ở các vùng nông thôn, bởi đa số mỗi gia đình có nhiều thành viên, trong khi việc tham gia bảo hiểm y tế là điều cần thiết. Chính sách bao phủ bảo hiểm trong toàn dân sẽ cần thêm các giải pháp vừa vận động người dân tham gia, vừa san sẻ gánh nặng chi phí với những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng tự mua bảo hiểm…, nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là 30%. Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Có thể nói, đây là mức cao nhất mà cán  bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được hưởng qua nhiều lần tăng lương cơ sở.

M.H.