Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.536.576 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm Hà Nội (1.537.814 ca), TP.HCM (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069). Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh là 9.079.265 ca
Cả nước hiện có 822 bệnh nhân nặng, phải thở oxy, trong đó, thở oxy qua mặt nạ 533 ca, thở oxy dòng cao HFNC 173 ca, thở máy không xâm lấn 30 ca, thở máy xâm lấn 84 ca và 2 ca đang phải can thiệp ECMO.
Cả nước hiện chỉ còn 822 ca COVID-19 nặng.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 11 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.998 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bộ Y tế đánh giá, hiện dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh ở cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9% và số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Hiện nay số ca mắc chỉ còn dưới 15.000 ca mắc mới trong ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021). Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy nhiên, ngành y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vì thế, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo VTC News