Các nhà khoa học lần đầu chứng minh quạ có khả năng suy nghĩ có ý thức

30/09/2020 - 14:05

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức đã chứng minh rằng loài quạ sở hữu một dạng ý thức và thông minh hơn những gì chúng ta từng nghĩ.

Các nhà khoa học lần đầu chứng minh quạ có khả năng suy nghĩ có ý thức. Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin RT (Nga), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Corvids, hay các loài chim thuộc họ nhà quạ, có khả năng nhận biết một cách có ý thức về môi trường xung quanh và biết được sự thay đổi của thời gian, từ đó tạo ra những phản ứng mang tính chủ quan. 

Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tubingen ở Đức đã tiến hành một loạt thí nghiệm trên hai con quạ mỏ nhỏ (Corvus corone). Họ đã cho mỗi con quạ nhìn qua khoảng 20.000 tín hiệu ánh sáng trải dài hàng chục phiên, trong khi đó, các điện cực sẽ được kích hoạt để theo dõi hoạt động não của chúng. 

Hai con quạ này được huấn luyện để có phản ứng với các kích thích thị giác. Nếu nhìn thấy ánh sáng, chúng phải gật đầu để chứng minh chúng nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, một số tín hiệu ánh sáng trong thử nghiệm diễn ra ngắn và mờ nhạt hơn,  nghĩa là sẽ khó phát hiện hơn, dẫn đến phản ứng ở mức độ khác nhau của quạ, tạo ra kinh nghiệm chủ quan.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy một cách rõ ràng rằng các tế bào thần kinh của quạ hoạt động ở mức xử lý cao hơn, tạo ra trải nghiệm chủ quan”, nhà sinh lý học động vật Andreas Nieder thuộc Đại học Tubingen, cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng đây được gọi là ý thức sơ cấp. Trước đây, dạng ý thức này chỉ được chứng minh ở các loài linh trưởng. Nghiên cứu mới nhất này có thể buộc chúng ta phải xem xét lại định nghĩa về ý thức cũng như sự phức tạp của não quạ. 

Trước đây, chúng ta hiểu rằng mức độ ý thức này có liên quan đến vỏ não động vật có vú, nhưng ngược lại, não của loài chim nhỏ hơn và mịn hơn nhiều.

Một nghiên cứu khác sử dụng hình ảnh ánh sáng phân cực 3D Ruhr-University Bochum ở Đức đã phát hiện ra rằng cấu trúc não của não chim thực sự giống với não động vật có vú hơn chúng ta tưởng. 

Phát hiện mới cho thấy rất có thể một “vi mạch cổ đại” đã tồn tại từ trước trong tổ tiên chung cuối cùng của con người và loài quạ cách đây 320 triệu năm. Kể từ đó, con người và quạ đã tiến hóa theo những cách khác nhau suốt hàng triệu năm, nhà tâm lý học Martin Stacho cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tubingen sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu xem quạ có tồn tại ý thức thứ cấp, có nghĩa là chúng biết tư duy, nhận thức ở một trình độ cao hơn hay không.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)