Các cuộc giao tranh khiến một số lượng lớn người bị mắc kẹt ở thủ đô Sudan. Sân bay đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công và nhiều cư dân không thể rời khỏi nhà hoặc ra khỏi thành phố để đến những khu vực an toàn hơn.
Trong khi đó, Liên hợp quốc và các nước kêu gọi các bên đối địch ở Sudan tôn trọng các lệnh ngừng bắn, mở lối đi an toàn cho dân thường và viện trợ nhân đạo.
Các cuộc giao tranh khiến một số lượng lớn người bị mắc kẹt ở thủ đô Sudan
Khi sân bay đóng cửa, hàng nghìn người nước ngoài - bao gồm nhân viên đại sứ quán, nhân viên cứu trợ và sinh viên ở Khartoum và những nơi khác ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi - cũng không thể rời đi. Trước đó, Ả-rập Xê-út đã sơ tán công dân khỏi cảng Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum 650 km. Jordan cũng sử dụng cùng tuyến đường cho công dân của mình.
Các nước phương Tây dự kiến sẽ cử máy bay sơ tán công dân từ Djibouti, mặc dù quân đội Sudan cho biết các sân bay ở Khartoum và thành phố lớn nhất của Darfur là Nyala đang gặp vấn đề và không rõ khi nào kế hoạch có thể thực hiện được.
Một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên cho Reuters biết một số nhân viên ngoại giao ở Khartoum đang chờ được sơ tán bằng đường hàng không khỏi cảng Sudan trong hai ngày tới. Đại sứ quán Mỹ cảnh báo người Mỹ rằng họ không thể hỗ trợ các đoàn xe từ Khartoum đến Cảng Sudan.
Giao tranh xảy ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Tướng quân đội Sudan al-Burhan và Tướng Daglo - người đứng đầu lực lượng bán quân sự RSF - liên quan kế hoạch sáp nhập lực lượng này vào quân đội chính quy.
RSF được thành lập vào năm 2013, thuộc sự quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan. Trong các hoạt động quân sự, RSF chịu sự chỉ huy của quân đội chính quy Sudan.
Các đội quân đến nay đã không tuân thủ các lệnh ngừng bắn kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 15/4. Cả hai bên đều cáo buộc bên kia không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Theo PHƯƠNG ANH (VTC News/Reuters)