Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học thường xét kết quả học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Kết quả trúng tuyển của thí sinh sẽ được công nhận chính thức sau khi đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ TP.HCM, trường bắt đầu tuyển sinh đầu tháng 1. Đến nay, trường nhận được khoảng hơn 200 hồ sơ xét học bạ, trong đó có thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước và học sinh chưa tốt nghiệp THPT.
Đợt 1 xét học bạ sẽ kết thúc vào ngày 31/3, sau đó trường còn xét 7 đợt nữa, kéo dài đến 15/9.
Năm nay, trường tuyển sinh theo 4 phương thức độc lập: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ theo tổng điểm trung bình ba môn năm lớp 12, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: N.N)
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh đại học đợt 1 (từ ngày 13/2 đến 26/2) theo hai phương thức: Xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và xét tuyển thẳng theo đề án của trường.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm nay cũng thực hiện đồng thời 4 phương thức: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn, xét học bạ theo tổng điểm trung bình ba học kỳ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong đó, hai phương thức xét học bạ, trường cũng xét tuyển tám đợt, đợt 1 (từ ngày 16/2 đến 30/4) và đợt 8 (16/8 đến 31/8).
Tương tự, năm nay trường Đại học Ngoại thương giữ ổn định sáu phương thức tuyển sinh, trong đó có đến 4 phương thức xét tuyển sớm...
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng công bố 5 phương thức xét tuyển: Xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét kết quả SAT và xét tuyển thẳng. Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển 10 đợt (đợt 1 đã kết thúc). Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng nhận hồ sơ xét học bạ THPT đợt 1 từ ngày 1/2.
Hầu hết các trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm. Ví dụ, trường Đại học Nguyễn Tất Thành dành 60% chỉ tiêu (40% chỉ tiêu xét học bạ; 20% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia (TP.HCM, Hà Nội) và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển... ). Trường Đại học Kinh tế - Tài chính dành 70% chỉ tiêu xét học bạ.
Trường Đại học Luật TP.HCM dành tối đa 40% chỉ tiêu cho phương thức 1 (xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm).
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2023 Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới, vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022.
"Trong hội nghị giao ban tuyển sinh vừa qua, chúng tôi khuyến cáo các trường nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm. Cuối cùng tất cả học sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ.
Tuy nhiên, theo quy chế, các trường được quyền tổ chức xét tuyển sớm. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn có thể tổ chức xét tuyển sớm nếu có nhu cầu", bà Thủy nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường được xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.
Theo kết quả do Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 9/2022, gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm, nhưng chỉ 35% trong số này đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
"Điều này cho thấy việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói hồi tháng 9/2022.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)