Cách cư xử của cha mẹ “tưởng không hại nhưng hại không tưởng”

15/04/2019 - 10:30

Khi một đứa trẻ lớn lên không thành công trong cuộc sống, luôn buồn bã và suy nghĩ tiêu cực, rất có thể đó là hậu quả từ cách cư xử của cha mẹ trong quá khứ.

Việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái sẽ gây nên một áp lực lớn với trẻ. Khi chúng không đạt được kỳ vọng, nhiều cha mẹ có xu hướng cáu gắt, mắng mỏ thậm chí đánh trẻ khi thấy con làm trái ý. Trước những thái độ tiêu cực này, trẻ trở nên nhút nhát và luôn sống trong lo lắng, sợ làm sai.

Ngược lại, những lời nói yêu thương luôn là phương pháp hữu hiệu để khích lệ tinh thần đứa trẻ. Đứa trẻ sống trong môi trường luôn thường xuyên được nghe những câu khuyến khích, động viên sẽ trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.

Có nhiều bậc cha mẹ thường xuyên tỏ thái độ nghi ngờ, không tin tưởng vào trẻ. Ví dụ khi trẻ bị cô giáo phạt, các phụ huynh thường la mắng hoặc hỏi những câu như:  “Chắc tại con đánh bạn ấy trước nên bạn ấy mới đánh con”, hoặc “Chắc là con làm sai chuyện gì nên cô giáo mới phạt con chứ”. Lâu dần, trẻ sẽ cảm thấy ngại chia sẻ hoặc lo sợ mình không được tin tưởng nên không chia sẻ với cha mẹ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vì thế cũng trở nên xa cách.

Ngược lại, với những đứa trẻ luôn được cha mẹ khuyến khích bày tỏ và tin tưởng, khi trẻ gặp bất kì vấn đề gì, chúng đều có thể tìm đến để tâm sự cùng cha mẹ. Sự gần gũi, lắng nghe sẽ giúp cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành người bạn tâm giao của con.

Hình phạt hay những lời nói tiêu cực của cha mẹ lúc nóng nảy rất dễ khiến trẻ bị tổn thương. Thực tế, những đứa trẻ thường xuyên phải chứng kiến hoặc chịu đựng sự ngược đãi trong gia đình sẽ dễ trở thành người hung hăng, bạo ngược.

Do vậy, cha mẹ đừng để trẻ nghĩ rằng bạo lực và sự hung hăng là điều bình thường trong cuộc sống. Một đứa trẻ được hưởng sự nhẫn nại từ cha mẹ sẽ trở nên khoan dung hơn với những người xung quanh.

Khi sống trong một gia đình bất hòa, trẻ sẽ vẫy vùng trong trạng thái bất an và có những cảm xúc tiêu cực rối rắm. Nếu cha mẹ thường xuyên tranh cãi trước mặt trẻ sẽ vô tình khơi dậy bản tính nóng nảy của con.

Nhiều cha mẹ nhận định tính cách của con mình rất tệ, nhưng họ đã quên nhìn lại chính bản thân mình. Tính khí của trẻ nóng nảy là do trẻ bị ảnh hưởng từ cha mẹ. Cha mẹ không nói chuyện từ tốn, trẻ sẽ học theo cha mẹ không thể dịu dàng với những người xung quanh.

Ngược lại trong môi trường giáo dục gia đình, nếu đứa trẻ cảm nhận được những tình cảm chân thành, được tôn trọng và yêu thương, chúng sẽ dễ dàng san sẻ tình cảm và giúp đỡ những người xung quanh hơn.

Sự chỉ trích, đả kích của cha mẹ trong một thời gian dài sẽ khiến trẻ mất hết sự tự tin và luôn sợ hãi với xã hội. Chúng sẽ không tin tưởng vào bất cứ thứ gì là toàn vẹn và luôn nhìn vào những điểm tiêu cực. Ngược lại, những đứa trẻ được cổ vũ, động viên sẽ nhìn mọi thứ tích cực hơn.

Thực tế, cha mẹ luôn là tấm gương phản chiếu cho những thói quen hằng ngày của con. Trẻ sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ, lắng nghe và lặp lại những điều nó thấy. Vì vậy, trong bất kì tình huống nào, cha mẹ cũng cần kiểm soát hành động để trẻ không bắt chước hay làm theo những thói quen không hay của cha mẹ.

Theo THÚY NGA (VietNamNet)