Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) luôn khuyến khích các nước cần thực thi những chính sách về tiền lương và thu nhập đảm bảo sự chia sẻ công bằng và hợp lý các thành quả từ sự tăng trưởng kinh tế ổn định và mạnh mẽ cho mọi đối tượng trong xã hội.
Bức tranh đa sắc
Tiền lương là một trong những điều khoản quan trọng nhất của hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN
Chính phủ của nhiều nước phát triển đang có sự điều chỉnh, cải cách đối với chính sách tiền lương của người lao động trong bối cảnh phải ứng phó tình trạng bất bình đẳng xã hội và tăng trưởng lương ì ạch.
Lương tăng chậm trong những năm gần đây được cho là do sự gia tăng cạnh tranh trên toàn cầu, năng suất lao động tăng chậm lại..., trong lúc sự phát triển của công nghệ đang “tước đi” những công việc có yêu cầu chuyên môn ở tầm trung.
Trước hình hình trên, Đức hồi năm 2015 đã lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu cho người lao động và kết quả là nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã có được những tác động tích cực.
Cho dù các doanh nghiệp Đức tỏ ra quan ngại về việc áp dụng mức lương tối thiểu 8,5 euro/giờ bắt đầu từ năm 2015 song tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã liên tục giảm trong thời gian qua và đến tháng 6-2018 đã ở mức thấp nhất (5%) kể từ năm 1990.
Tại Mỹ, một số thành phố như Seattle cũng có kế hoạch nâng mức lương “sàn” lên 15 USD/giờ. Trong khi đó, những nước đang phát triển như Malaysia đang áp dụng mức lương tối thiểu để cố gắng phân bổ lại những thành tựu có được nhờ tăng trưởng kinh tế một cách công bằng hơn và khuyến khích các doanh nghiệp, người thuê lao động nâng cao chuỗi giá trị.
Còn theo một cuộc khảo sát của đơn vị Hay Group thuộc công ty tư vấn Korn Ferry, tiến hành với 20 triệu người lao động ở 25.000 doanh nghiệp, tổ chức tại hơn 110 quốc gia trên thế giới, mức lương thực tế (đã được điều chỉnh theo lạm phát) của người lao động trên thế giới sẽ tăng trung bình 1,5% năm 2018. Mức lương thực tế tại Mỹ dự kiến tăng 1% năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 1,9% năm 2017, trong khi số liệu tương ứng của nước láng giềng Canada trong năm 2018 sẽ tăng 0,9%.
Cũng theo dự đoán của Korn Ferry, mức lương thực tế của người lao động tại khu vực Tây Âu và Đông Âu trong năm 2018 sẽ tăng lần lượt 0,9% và 1,4%. Còn người lao động ở khu vực Mỹ Latinh dự kiến nhận được mức lương thực tế tăng 2,1% năm 2018, cao hơn mức tăng 1,1% năm 2017. Đáng chú ý là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil sẽ có mức tăng lương thực tế 3,3% năm 2018.
Tại châu Á, mức lương thực tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 4,2% trong năm 2018. Theo các chuyên gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tài chính chủ động trong năm 2018 nhằm giải quyết tình trạng quá tải biên chế trong các doanh nghiệp quốc doanh và thúc đẩy sự cạnh tranh trong nền kinh tế.
Còn ở Ấn Độ, mức lương thực tế dự kiến tăng 4,7% trong năm 2018 và nền kinh tế nước này vẫn duy trì được đà phục hồi sau những sự gián đoạn bắt nguồn từ chính sách cấm lưu thông các loại tiền tệ mệnh giá lớn do Thủ tướng Narendra Modi ban hành vào năm 2016.
Động lực cho phát triển
Tháng 7-2018, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo ý định tăng mức lương tối thiểu cho người lao động nước này thêm khoảng 3%, năm tăng thứ ba liên tiếp, trước tình trạng thiếu hụt lao động, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện năng suất lao động để bù đắp mức tăng lương này.
Dự kiến, mức lương tối thiểu trung bình trên toàn Nhật Bản sẽ được tăng thêm 25 yen lên 874 yen (7,88 USD)/giờ và sẽ được áp dụng từ tháng 10-2018. Các địa phương của Nhật Bản sẽ dựa trên mức lương đó để điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng riêng tại mỗi địa phương.
Mặc dù mức lương tối thiểu tại các thành phố ở Nhật Bản cũng đã cao hơn mức trung bình trên toàn quốc, song các lao động làm việc bán thời gian tại các thành phố ở nước này thậm chí còn nhận được mức lương cao hơn cả mức lương tối thiểu đó.
Theo công ty tuyển dụng lao động Recruit Jobs, mức lương tối thiểu tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản (cao nhất ở nước này) hiện là 958 yen/giờ. Còn theo số liệu của tháng 6-2018, mức lương của các công việc tại các thành phố lớn ở Nhật Bản là Tokyo, Osaka và Nagoya trung bình là 1.031 yen/giờ.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu trung bình của quốc gia lên 1.000 yen/giờ vào năm 2020 song một số ý kiến cho rằng con số này cần tăng lên 1.500 yen/giờ. Theo phó Giáo sư Shuichi Nakazawa của Đại học Shizuoka Junior College, cần có sự phân biệt mức lương giữa các vùng, vì giá cả sinh hoạt ở khu vực thành phố bao giờ cũng đắt đỏ hơn các vùng nông thôn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản cần đẩy mạnh cải cách thị trường lao động, chính sách lương cũng như tăng năng suất nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Theo phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF David Lipton, Nhật Bản cần thực hiện các biện pháp khác để đa dạng hoá và tăng cường lực lượng lao động, bao gồm việc hỗ trợ thêm cho lao động nữ, lao động cao tuổi và sử dụng nhiều hơn lao động nước ngoài.
Trong khi đó, một quốc gia khác ở châu Á là Singapore là quốc gia tiên phong trong việc cải cách chính sách về tiền lương để đảm bảo sự gọn nhẹ của bộ máy chính phủ và nâng cao hiệu quả hoạt động lên mức tối đa.
Trong đó vai trò hoạch định chính sách và thực thi chính sách ngày càng tách biệt, mặc dù luôn có sự phối hợp chặt chẽ. Nhờ vậy, dịch vụ công của Singapore luôn được đánh giá là một trong những dịch vụ công tốt nhất trên thế giới.
Chính phủ Singapore luôn đảm bảo việc trả lương và các khoản tiền thưởng tương xứng cho công chức căn cứ vào chất lượng dịch vụ đối với công dân. Ngoài ra, bên cạnh việc phụ thuộc vào hiệu quả công việc, mức lương công chức của Singapore còn phụ thuộc vào hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Công chức sẽ nhận được tiền thưởng nếu nền kinh tế đất nước hoạt động hiệu quả.
Nhằm thu hút nhân tài làm việc trong khu vực công, Chính phủ Singapore thường căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức. Và để duy trì tính cạnh tranh, việc đánh giá lương hàng năm của công chức rất được coi trọng, làm căn cứ để xem xét mức lương cần sửa đổi.
Đáng chú ý là Singapore chú trọng việc đánh giá lương của các bộ trưởng và công chức cao cấp để điều chỉnh nhằm bảo đảm mức cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Theo ANH QUÂN (Báo Tin Tức)