Nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về công tác xét xử các vụ án (điển hình) về phòng, chống dịch COVID-19
Khó khăn lớn nhất của đơn vị là tống đạt, thu thập chứng cứ, đo đạc khi địa phương bước vào mùa nước lũ hàng năm. Mặt khác, trên địa bàn huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer) cùng sinh sống, cán bộ của đơn vị phải tìm hiểu phong tục tập quán, tranh thủ các chức sắc tôn giáo để xử lý vụ án liên quan. Tuy nhiên, vượt qua trở ngại khách quan, đơn vị tổ chức xét xử lưu động 134 vụ án hình sự được dư luận quan tâm, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị tại địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, TAND huyện An Phú mở phiên tòa xét xử theo thủ tục rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện cải cách tư pháp. Sau mỗi phiên tòa, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên cùng lãnh đạo ngành tòa án và viện kiểm sát tổ chức họp rút kinh nghiệm, trao đổi những ưu, khuyết điểm trong mỗi vụ án, giúp kỹ năng điều khiển phiên tòa của thẩm phán và kỹ năng tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên được nâng lên.
Điểm nổi bật của các phiên tòa rút kinh nghiệm là điều hành việc tranh luận đúng nội dung, trình tự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, dân sự, không hạn chế thời gian tranh luận, không kéo dài. Trong quá trình xét hỏi, hội thẩm nhân dân tham gia hỏi những nội dung mà chủ tọa phiên tòa chưa hỏi hoặc hỏi chưa rõ. Khi nghị án và tuyên án, đều căn cứ vào chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, việc nghị án bình đẳng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa tranh luận rõ ràng, đưa chứng cứ nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đơn vị phối hợp Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện phiên tòa trực tuyến, rút kinh nghiệm đối với từng vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp, nhằm thống nhất trong hệ thống TAND huyện cùng thực hiện. Giai đoạn 5 năm nay, đơn vị giảm nhân sự, nhưng số lượng án thụ lý tăng 2.350 vụ, giải quyết tăng 1.971 vụ, tỷ lệ án bị hủy, sửa giảm nhiều so với 5 năm trước.
Số lượng án giải quyết theo tinh thần cải cách tư pháp tăng cao (trong đó có những vụ được xét xử trực tuyến để Viện kiểm sát và TAND 2 cấp trong tỉnh theo dõi và góp ý trực tiếp sau khi kết thúc phiên tòa). Tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, có nhiều loại tội phạm mới, quy mô và thủ đoạn tinh vi hơn trước, đòi hỏi thẩm phán, thư ký phải luôn cập nhật văn bản pháp luật mới, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công việc, nhằm đảm bảo thời hạn ban hành văn bản, bản án đúng quy định.
Chánh án TAND huyện An Phú Nguyễn Thuận Lợi chia sẻ: “Tập thể đơn vị thực hiện các biện pháp tích cực, khoa học, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng phục vụ nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc hoãn phiên tòa vì sơ suất trong khâu triệu tập; cải cách việc lên lịch xét xử, phát hành giấy triệu tập, giấy báo phiên tòa, phát hành bản án… đến các cơ quan liên quan, những người tham gia tố tụng bảo đảm thời gian, tiết kiệm kinh phí mà không trái quy định về thủ tục tố tụng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong viết bản án, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức để tập trung cho nghiên cứu hồ sơ và thực hiện các mặt công tác khác. Bên cạnh đó, thư ký giúp thẩm phán nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử, tạo điều kiện phát huy sáng tạo, nhạy bén, khả năng tổng hợp và nâng cao kiến thức chuyên môn của thư ký”.
Trong 5 năm (2016 - 2021), TAND huyện An Phú tổng thụ lý và giải quyết 5.457 vụ (đạt tỷ lệ gần 89% so cùng kỳ giai đoạn trước). Bình quân, mỗi thẩm phán giải quyết 10,66 vụ/tháng. Trong án dân sự, hòa giải thành 2.841 vụ, đạt tỷ lệ 63,2% so tổng số vụ án đã giải quyết. Tỷ lệ án bị hủy, sửa dưới mức quy định, không để xảy ra trường hợp xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG