Vụ án liên quan đến 13 bị cáo: Phạm Thế Hải (sinh năm 1964); Trần Thanh Việt (sinh năm 1979), Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1985), Phạm Văn Định (sinh năm 1956), Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1968), Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1985), Chu Quốc Vui (sinh năm 1961), Phạm Ngọc Châu (sinh năm 1973), Nguyễn Thanh Sang (sinh năm 1979, cùng ngụ TX. Tân Châu), Trần Cao Sang (sinh năm 1970, ngụ huyện Phú Tân), Dương Hoàng Chiến (sinh năm 1976, ngụ huyện Tri Tôn), Nguyễn Văn Lan (sinh năm 1968) và Nguyễn Hoàng Vũ (sinh năm 1982, ngụ tỉnh Long An).
Theo hồ sơ vụ án, năm 1990, Hải làm nhân viên thuế của Chi cục Thuế huyện Tân Châu (nay là TX. Tân Châu). Năm 2000, bị kỷ luật buộc thôi việc về hành vi lạm dụng tiền thuế, Hải ra làm kế toán cho nhiều doanh nghiệp (DN).
Năm 2015, Hải thỏa thuận với Chiến (Đội trưởng Đội kiểm tra thuế Chi cục Thuế huyện Tri Tôn, nay là Chi cục Thuế khu vực Tịnh Biên - Tri Tôn), Việt (Đội trưởng Đội kiểm tra Thuế) và Cao Sang (cán bộ Chi cục Thuế TX. Tân Châu, nay là Chi cục Thuế khu vực Tân Châu - An Phú) lợi dụng chính sách quản lý, in ấn hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước để mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống. Cả nhóm thành lập 6 công ty, DN (ngành nghề đăng ký kinh doanh là mua bán vật liệu xây dựng, bước đầu cho việc mua bán hóa đơn GTGT khống.
Bị cáo Hải và các bị cáo tại phiên tòa xét xử lần đầu
Cụ thể, Sơn nhờ em họ đứng tên thành lập DNTN Thiên Thuận Đạt (phường Long Châu, TX. Tân Châu), nhưng tự mình điều hành hoạt động. Hải nhờ Định đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV Nam Thiên Đạt (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn).
Định cung cấp giấy chứng minh nhân dân của các con ruột để thành lập Công ty TNHH MTV Phạm Phúc Ánh (xã Châu Lăng), DNTN Thiên Tân Đạt (phường Long Châu) và Công ty TNHH MTV DVTM An Lộc An Giang (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn).
Các "công ty ma" này do Hải điều hành hoạt động mua bán hóa đơn GTGT khống. Theo thỏa thuận, Định được hưởng 0,3% trên tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi khống trên hóa đơn. Đồng thời, Hải thỏa thuận với Thanh Sang (nhân viên kế toán trường học) thành lập DNTN Nguyễn Mộng (xã Châu Lăng). Sau khi thành lập DN, Thanh Sang giao giấy chứng nhận đăng ký DN, con dấu và dấu tên chủ DN cho Hải điều hành. Thanh Sang hưởng 0,5%, bằng cách cấn trừ vào tiền mua hóa đơn của Hải cho Công ty Shipment và các DN khác của Thanh Sang.
Trong chuỗi sai phạm này, Chiến và Việt "đạp chân" bằng cách "ngó lơ", không kiểm tra, giám sát thuế đối với 6 "công ty, DN ma". Đổi lại, Chiến hưởng 0,5% tổng giá trị của hàng hóa xuất bán ra chưa thuế ghi khống trên hóa đơn của DNTN Thiên Thuận Đạt; 2% tổng giá trị của hàng hóa xuất bán ra chưa thuế ghi khống trên hóa đơn của Công ty Phạm Phúc Anh. Việt nhận 2% giá trị của hàng hóa ghi khống trên hóa đơn của DNTN Thiên Tân Đạt; 3% giá trị của hàng hóa ghi khống trên hóa đơn của Công ty Nam Thiên Đạt, DNTN Nguyễn Mộng, Công ty Phạm Phúc Ánh, Công ty An Lộc An Giang.
Để thanh toán tiền mua bán hàng hóa khống, Hải sử dụng nhiều cách, như: Chuyển tiền từ tài khoản của DNTN Thiên Tân Đạt vào tài khoản của Sơn, nhờ Sơn chuyển tiền vào tài khoản của Thanh Sang; nhờ Thanh Sang chuyển tiền vào tài khoản của các DN mua hóa đơn GTGT, sử dụng ủy nhiệm chi của DN mua hóa đơn GTGT (do Hải đưa) để làm thủ tục chuyển khoản thanh toán tiền hàng hóa khống, hoàn thành việc mua bán hóa đơn GTGT. Hoặc là Hải chuyển tiền từ tài khoản của mình vào tài khoản của Thanh Sang; Sang tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của DN mua hóa đơn, trực tiếp làm thủ tục ủy nhiệm chi chuyển khoản thanh toán hợp thức chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Với cách thức trên, từ tháng 8/2015 đến cuối năm 2016, Hải đã mua bán 401 hóa đơn GTGT khống, Định mua bán 268 hóa đơn, Sơn mua bán 169 hóa đơn, Thanh Sang mua bán 133 hóa đơn, Cao Sang mua bán 117 hóa đơn, Hiệp mua bán 48 hóa đơn cho các DN, công ty, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh An Giang. Giá bán hóa đơn từ 4 - 10% trên tổng doanh số chưa thuế ghi trên hóa đơn, để DN, công ty hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, dịch vụ đầu vào không có hóa đơn và sử dụng kê khai khấu trừ thuế GTGT.
Những hành vi gian lận này làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 11 tỷ đồng. Hải thu lợi gần 700 triệu đồng, Sơn thu lợi hơn 430 triệu đồng, Định thu lợi hơn 80 triệu đồng, Cao Sang thu lợi hơn 192 triệu đồng, Hiệp thu lợi gần 80 triệu đồng. Đồng thời, Hải và Sơn đã chia phần trăm cho Chiến tổng cộng hơn 420 triệu đồng, chia cho Việt hơn 50 triệu đồng…
(Còn tiếp)
NGUYỄN HƯNG