Năm nay vào tuổi thất thập, sống ở đất Sài Gòn kể ra cũng hơn 50 năm, cả đời đi cũng nhiều, ngó cũng lắm, ngày càng ngộ ra một điều người Sài Gòn thật may mắn được sống ở cái nơi “thiên thời, địa lợi” theo đúng nghĩa đen chứ không phải nói phóng lên. Vì điều này mà các hậu thế phải mãi mãi biết ơn và cám ơn các bậc tiền bối đã chọn nơi này để định cư, định thành, định đô ở chứ không phải nơi khác.
AA
Trên thế giới, năm nào cũng có những thành phố bị phá hủy hoàn toàn hay một phần do động đất. Chỉ riêng năm 2023 đã có sáu trận động đất điễn ra ở Morocco, Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria làm hàng ngàn người chết, hàng chục thành phố, thị trấn bị sụp đổ tan hoang. Những thành phố đó nằm trên vùng đứt gãy của vỏ Trái đất, mỗi khi có núi lửa hoạt động hay sự dịch chuyển của vùng không ổn định là động đất xảy ra.
Thật là đại phước, Sài Gòn từ xưa tới nay chưa bao giờ có trận động đất nào(1). Gần đây các cao ốc được thiết kế có thể chịu đựng được các trận động đất lên tới 8 độ richter, nhưng tôi tin đây chỉ là dự phòng bởi Sài Gòn khó bị động đất đe dọa.
Mấy năm nay, khí hậu trên Trái đất diễn ra rất bất thường, những trận bão kinh hoàng ở Trung Quốc tàn phá không biết bao nhiêu thành phố, thị trấn. Nhìn cảnh nhà cửa đổ sụp, xe hơi, xe tải, thậm chí cả những đoàn tàu hỏa trôi đi như những cái lá tre mà kinh hồn. Ngay ở Việt Nam, dải đất miền Trung năm nào cũng hứng nhiều trận bão lớn, khiến cho người dân khốn đốn, bất an.
Thật may mắn vùng đất Sài Gòn này hầu như chưa bao giờ bị bão. Hay nói đúng hơn là có bão nhưng bị ngăn từ xa. Một lần nữa chúng ta lại phải cám ơn rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò như tấm áo giáp che chắn cho thành phố này. Tháng 12-2006, siêu bão Durian sau khi tàn phá Philippines với tốc độ gió lên đến 250 ki lô mét/giờ, tiếp tục đi vào phía Nam Việt Nam, xâm nhập vào Sài Gòn và vấp phải sự kháng cự, hóa giải của rừng Cần Giờ rồi bị suy yếu và không đủ sức đi sâu vào trong nữa.
Tiền nhân chọn nơi này cách biển chừng 40 ki lô mét đủ để hưởng khí hậu biển, nhưng đủ khoảng cách an toàn trước bão lũ. Mai này Cần Giờ sẽ có cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu đô thị lấn biển hơn 3.000 héc ta, và nhiều dự án tầm cỡ. Cầu Trời phù hộ sao cho rừng ngập mặn Cần Giờ không bị hao hụt bao nhiêu để che chắn cho người Sài Gòn bình an.
Từ thuở khai sinh lập địa đến nay người Sài Gòn sống nhờ sông Sài Gòn. Nhờ sông Sài Gòn mà có nước canh tác, trồng cây, nuôi gia cầm, cá mú và nấu nướng, tắm rửa. Hiện nay, mỗi ngày Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung ứng 2,4 triệu mét khối nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng thì 90% trong số đó là từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Có lẽ việc lấy nước dưới sông Sài Gòn, đi lại trên sông dễ dàng quá nên chúng ta không thấy hết được giá trị đặc biệt của nó. Mọi người sẽ bật cười khi ai đó hỏi điều gì xảy ra nếu sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cạn thấy đáy, bởi từ hồi nảo hồi nao chưa ai thấy sông Sài Gòn hết nước, nên không thể tưởng tượng ra được.
Chắc ít người biết rằng nguồn nước mặt mà Việt Nam khai thác cho sản xuất và sinh hoạt thì hầu hết xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37%, 8/13 sông lớn nhất, quan trọng nhất là từ bên ngoài biên giới. Những con sông đi vào thơ ca mà ta thấy quá gần gũi hóa ra là từ “nhà người ta”. Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Mã, sông Lam ở miền Bắc, các sông ở đồng bằng sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu) đều bắt nguồn từ bên ngoài. Mà nguồn từ bên ngoài biên giới thì hiển nhiên là những nước ở hạ lưu không kiểm soát được và luôn luôn rơi vào tình thế bị động, có thể chết khát mà cũng có thể chết trương.
Có lẽ người Sài Gòn không lo lắm chuyện thiếu nước hay nơm nớp sợ ai đó sẽ chặn nguồn. Đó là điều đại phước cho dân xứ này, cái đáng lo nhất là chỉ sợ một ngày nào đó không còn rừng đầu nguồn, mất thảm thực vật thì sông Đồng Nai sẽ chết. Cầu Trời điều đó không bao giờ xảy ra.
Trên thế giới có rất nhiều cuộc chiến nổ ra vì tranh chấp nước, và những con sông trở thành vũ khí chính trị để mặc cả. Sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, ở thượng nguồn Trung Quốc làm 11 đập thủy điện lớn và hàng chục hồ chứa nước. Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, và sau khi ở thượng nguồn xuất hiện hơn 60 đập và hồ chứa thì lượng nước từ thượng nguồn chảy về giảm hẳn, hầu như không có nước cho hai vụ lúa đông xuân và hè thu, có những lúc người ta có thể đi bộ qua sông Hồng, con đê hai bên sông không còn giá trị sử dụng nữa. Vì lý do này mà Hà Nội không lấy nước uống từ sông Hồng mà lấy từ sông Đà.
Còn sông Đồng Nai (sông Sài Gòn bắt nguồn từ nó) là một trong số những con sông “nội địa” hiếm hoi, nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Sông Đồng Nai khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 586 ki lô mét. Một điều đặc biệt là cho dù mùa khô thì sông Sài Gòn không bao giờ cạn, nó chỉ vơi bớt đi. Có lẽ người Sài Gòn không lo lắm chuyện thiếu nước hay nơm nớp sợ ai đó sẽ chặn nguồn. Đó là điều đại phước cho dân xứ này, cái đáng lo nhất là chỉ sợ một ngày nào đó không còn rừng đầu nguồn, mất thảm thực vật thì sông Đồng Nai, sông Sài Gòn sẽ chết. Cầu Trời điều đó không bao giờ xảy ra.
Sài Gòn không có thành Hoàng, vì có cất công mấy các nhà sử học cũng không trả lời được rằng ai là người đầu tiên đặt chân đến đây. Chỉ biết rằng những người đầu tiên đến đây là những người làm nghề đánh bắt cá. Mảnh đất chừng 2 ki lô mét vuông nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn (bờ bên phải tính từ đầu nguồn sông trở xuống) khi đó còn là rừng cây thấp lúp xúp có chen cây cao, cỏ lác, không có người ở, nhưng lại là khoảng đất cao nhất so với toàn khu vực, cao hơn mặt sông Sài Gòn chừng 62-65 feet (tương đương với 2-2,5 mét), có chỗ cao hơn 3 mét và cao hơn so với mực nước biển 3-5 mét (ấy là theo cách tính của người hậu thế).
Họ dừng lại nơi đây lập ra cái làng đầu tiên ở nơi gọi là Bến Nghé. “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức ghi lại vào cái thời khai sơn lập địa ấy đã có khoảng 40.000 hộ dân sinh sống rải rác khắp vùng Đông Nam bộ này. Khi ấy chưa có thể chế hành chính nào, mãi cho đến mùa xuân năm Mậu Dần (1698) được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời chính thức của thành phố này bằng sự xác lập về hành chính từ triều đình nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phước Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Nguyễn Hữu Cảnh đã “lập ra xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Sự kiện này đã xác định chủ quyền của nhà nước Việt Nam trên một vùng đất mới theo tinh thần “Dân làng mở đất trước, nhà nước đến cai trị sau”.
Tiền nhân của thành phố này là người dân lưu tán, là người Xtiêng, người Việt, người Hoa, người Khmer, người Pháp… có công lao xây dựng nên thành phố Sài Gòn.
Cho đến nay, chưa có ai lý giải thấu đáo là tại sao nhà Nguyễn lại chọn mảnh đất này để lập thành mà không phải là nơi nào khác, bởi ở vùng này ít nhất có hai nơi có thể lập thành được là Đồng Nai và Mỹ Tho – trước đó nhà Tây Sơn khi dạt vào phương Nam cũng chọn chính mảnh đất này để lập quân doanh.
Cũng cần nói thêm là vào năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai đắp thành Bát Quái, đồng thời chọn mảnh đất này (thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình) làm nơi đóng đô của mình, và gọi là Gia Định kinh (kinh đô) những 10 năm, cho đến 1801 chúa Nguyễn dời đô ra Huế thì Gia Định kinh bị hạ cấp xuống Gia Định thành. Năm 1859 khi Pháp chiếm được Sài Gòn, họ hoàn toàn có thể xác lập nơi tại vị của bộ máy chính quyền ở nơi khác như đâu đó vùng Tây Nam bộ hay Đông Nam bộ, thậm chí là cao nguyên, nhưng rồi họ vẫn chọn nơi này.
Chỉ hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp bắt tay vào xây dựng nó thành một “Paris nhỏ” và người Pháp là người đầu tiên đưa tất cả những quy trình và công nghệ quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý đô thị hiện đại nhất cả châu Âu khi đó đến Sài Gòn. Bản quy hoạch đầu tiên năm 1862 đã được tính toán dựa trên các nguyên tắc của hình học, được đo đạc tính toán theo hình thể địa lý, địa chất và khí hậu thời tiết. Chính nhờ thế mà cho đến nay khu vực 5,2 ki lô mét vuông ở trung tâm do người Pháp thiết kế vẫn là nơi đẹp nhất của Sài Gòn. Sau người Pháp là người Mỹ và thể chế lúc đó tiếp tục mở rộng và xây dựng thành phố này hiện đại hơn trên chính mảnh đất nó đang hiện hữu, và khi ấy một lần nữa nó lại được gọi là “Đô thành”.
Tiền nhân của thành phố này là người dân lưu tán, là người Xtiêng, người Việt, người Hoa, người Khmer, người Pháp… có công lao xây dựng nên thành phố Sài Gòn. Tiền nhân là các chính thể chính trị từ thời Tây Sơn, đến triều đình nhà Nguyễn, bộ máy cai trị Pháp… chọn nơi này để dựng nghiệp. Sài Gòn – TPHCM của ngày hôm nay dù có nhiều điều chưa hài lòng, nhưng nó là một sản phẩm của một tiến trình lịch sử do hàng triệu con người, hàng chục thế hệ chung tay tạo nên.
Trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TPHCM, ngài Henry Chabert, Phó thị trưởng thành phố Lyon (Pháp), đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698-1998: Kiến trúc, Quy hoạch” với những dòng chữ cảm động: “Thành phố này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng”(2).
Cám ơn tiền nhân đã chọn lựa một nơi “thiên thời, địa lợi” quá tuyệt vời để cho con cháu muôn đời hưởng đại phước.
(1) Trừ hai lần rung chấn được cơ quan chức năng ghi nhận vào năm 2005, tâm chấn nằm ngoài khơi Hàm Tân và Vũng Tàu, và thuộc hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải.
(2) KTS. Lê Quang Ninh và Stéphane Dovert. Sai Gon 1698-1998: Kiến trúc-Quy hoạch. NXB TPHCM, 1998, trang 6.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: