Cán bộ, đảng viên trau dồi bản lĩnh, giữ vững lập trường trước thông tin xấu độc, xuyên tạc

28/10/2022 - 08:01

Thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục tăng cường âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”, đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, nhà nước, chế độ. Từng ngày, từng giờ, chúng tung tin giả, xấu độc, xuyên tạc lan tràn trên internet và mạng xã hội. Do đó, nếu cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo nhận diện sẽ dễ mắc mưu, dẫn đến những trạng thái tâm lý, hành động tiêu cực.

Trong kỷ nguyên số, không gian mạng ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ, với những ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông, nhất là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, tính nặc danh… Chỉ cần mở điện thoại thông minh, lên mạng xã hội, chúng ta có thể bị tấn công bởi rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc. Hàng ngày, có hàng nghìn tin, bài chống phá được các thế lực thù địch tung lên không gian mạng, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái công chúng hiểu sai lệch, gia tăng sự bất đồng, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối Đảng, nhà nước.

Một thực tế đáng buồn là đâu đó vẫn còn một bộ phận người dân, trong đó có cả trường hợp một vài cán bộ, đảng viên từng có nhiều năm công tác, có những đóng góp nhất định cho địa phương, đơn vị khi nghỉ hưu lại có những nhận xét, bình luận, phát ngôn trên Facebook, Zalo… thiếu thiện chí về thực trạng đất nước. Theo cách nhìn của họ thì bất cứ lĩnh vực nào của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Với kết quả rõ ràng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua thì họ cho rằng, đó chẳng qua là đấu đá trong nội bộ Đảng. Đối với những kết quả, thành tựu phát triển của đất nước, địa phương thì họ nói đó là những con số “ảo”…

Điều đáng nói ở đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới góc nhìn lệch lạc của họ xuất phát từ quá trình dễ dãi khi tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội (Facebook, Youtube), những trang thông tin mù mờ trên mạng, hoặc của các tổ chức, đối tượng chống phá Đảng, nhà nước. Họ nhầm lẫn và cho rằng, những trang thông tin họ xem đã “dám nhìn thẳng, nói thẳng, nói thật” những vấn đề mà các cơ quan báo chí chính thống không dám và không được đề cập.

Họ không biết, hoặc biết không đầy đủ rằng các tổ chức khủng bố, phản động, như: Việt Tân, Hội anh em dân chủ... thiết lập rất nhiều website, Blog, Facebook, Youtube, diễn đàn, câu lạc bộ nhằm phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu, độc. Một số cơ quan báo chí của phương Tây, như: RFA, BBC Việt ngữ, hay các trang thông tin do một số đối tượng có tiền án, tiền sự, chống đối lập ra để đăng tải, tung những thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, nhà nước ta và chế độ XHCN. Các thông tin xuyên tạc bao gồm các vấn đề: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đối ngoại, quốc phòng - an ninh... Điển hình, việc Việt Nam vừa trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc một cách dân chủ, công khai, khách quan, chứng tỏ uy tín cao của Việt Nam trên trường quốc tế thì trên trang Facebook của tổ chức Việt Tân vẫn trơ trẽn xuyên tạc rằng kết quả trên chứng tỏ Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc vào một nước khác (!?)...

Những thông tin xấu, độc đều nhằm “bôi đen” hiện thực Việt Nam; thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước; xuyên tạc về cán bộ, về công tác nhân sự; phóng đại những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, pháp luật hòng gây rối tình hình đất nước; kích động, chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Đảng, nhà nước, quân đội... Từ đó, tạo ra nhận thức sai lệch về hiện thực theo chiều hướng xấu, hình thành tâm lý chán ghét, phẫn nộ, thậm chí căm thù chế độ và bộ máy chính quyền các cấp.

Trước những thông tin bịa đặt, có những cán bộ, đảng viên suy nghĩ đơn giản và chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, trong cộng đồng. Vô hình trung những thông tin xấu, độc này có thêm “vỏ bọc” cứng cáp hơn vì nó được phát tán, nói ra từ những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm. Nếu không bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận thông tin thì cán bộ, đảng viên sẽ mắc bẫy và tiếp tay, lan truyền những thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các đối tượng chống phá.

Ở khía cạnh khác, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, đầy tham vọng quyền lực cá nhân; những người có thể sẽ phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng do sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề trong chính sách, hay cách ứng xử của cơ quan, đơn vị công tác. Họ rất dễ trở thành “miếng mồi ngon” cho những thông tin xấu, độc và bản thân họ cũng có thể trở thành những tác nhân của thông tin xấu, độc, cả những khiếu nại, tố cáo với mục đích không trong sáng nhằm gây nhiễu loạn nội bộ.

Vì vậy, nếu cán bộ, đảng viên không tỉnh táo, không có bản lĩnh vững vàng thì rất dễ bị lừa phỉnh, dính phải “bả thông tin”. Để tránh những tác hại lan truyền của thông tin xấu, độc, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng và tăng cường “hệ miễn dịch” trước thông tin xấu, độc, cần nhận thức sâu sắc, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị… hình thành thói quen chỉ tiếp nhận thông tin qua các kênh thông tin chính thống của Đảng, nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, giữ vững lập trường trước các thông tin xấu, độc. Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sinh hoạt Đảng thường kỳ nên lồng ghép sinh hoạt tư tưởng; nhanh nhạy nắm bắt, phát hiện các thông tin xấu, độc, bịa đặt lan truyền trên không gian mạng để kịp thời có sự định hướng bằng những thông tin đúng đắn, các luận điểm thuyết phục nhằm phản bác, hạn chế sự lan tỏa của các thông tin xấu, độc, xuyên tạc. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có thêm kiến thức, sự hiểu biết và tư tưởng ổn định, phản bác, đấu tranh hiệu quả trước các thông tin xấu, độc.

M.T