Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo.
Tại Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam phối hợp với Hội Đột quỵ Việt nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, bệnh đột quỵ có tỷ lệ mắc ngày càng tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Bệnh đột quỵ để lại di chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Do đó, việc điều trị cho người mắc bệnh này đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa, điều trị toàn diện, can thiệp thuốc, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng và can thiệp dinh dưỡng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế dinh dưỡng Việt Nam, chế độ dinh dưỡng hợp lý dự phòng đột quỵ là chế độ dự phòng và điều trị các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như chế độ dinh dưỡng hợp lý với người tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn đường máu, thừa cân béo phì…
Dinh dưỡng không chỉ đóng vai trò nền tảng trong dự phòng đột quỵ mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phục hồi của người bệnh đột quỵ. Người bệnh cần được đánh giá dinh dưỡng sớm, đánh giá chức năng nuốt, nguy cơ hít sặc và có giải pháp nuôi dưỡng phù hợp để bảo đảm nuôi dưỡng đầy đủ và an toàn.
Tại hội thảo, 100 đại biểu tham gia trực tiếp trong nước là cử nhân dinh dưỡng, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng, trên 200 đại biểu xem trực tuyến được cập nhật kiến thức về gánh nặng bệnh tật của bệnh đột quỵ; chế độ dinh dưỡng dự phòng bệnh đột quỵ; chế độ dinh dưỡng điều trị khi mắc bệnh đột quỵ.
Đặc biệt, các nhân viên được cung cấp kiến thức về sàng lọc phát hiện rối loạn nuốt trên người bệnh đột quỵ, phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ, và chế biến chế độ ăn phù hợp cho người bệnh đột quỵ có rối loạn nuốt.
Thạc sĩ Đào Thị Thu Hoài cho hay, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ có rối loạn nuốt, các phân độ và kỹ thuật món ăn phù hợp với các mức độ rối loạn nuốt, trong đó cần sử dụng các chế độ ăn có kết cấu phù hợp từng mức độ rối loạn nuốt, chế độ ăn này được sử dụng các chất làm đặc thực phẩm khi chế biến để người bệnh nuốt an toàn và dễ nuốt.
"Người bệnh đột quỵ có rối loạn nuốt cần được các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng tập phục hồi chức năng nuốt. Hội thảo thống nhất việc chăm sóc người bệnh đột quỵ cần được phối hợp đa chuyên khoa để người bệnh được điều trị toàn diện, phục hồi nhanh chóng, hiệu quả", bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương Dung cho hay.
Với người bệnh đột quỵ, rối loạn chức năng nuốt là phổ biến, cần được sàng lọc đánh giá rối loạn nuốt, khám tư vấn dinh dưỡng và cung cấp chế độ ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng với kết cấu thực phẩm phù hợp với người bệnh đột quỵ có rối loạn nuốt.
Theo Nhân Dân