Cần linh hoạt chính sách giảm thuế trong hoạt động phà

12/09/2023 - 06:04

 - Gần đây, dư luận đặt vấn đề về áp dụng chính sách giảm thuế trong hoạt động phà. Tiền chênh lệch đối với một số mệnh giá nhỏ lẻ không thối trả được cho hành khách, gom lại thành khoản không nhỏ, cần xử lý thế nào?

Tìm phương án thực hiện

Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực hoạt động vận chuyển phà thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8%. Khi áp dụng, một vấn đề “nhỏ mà lớn” phát sinh: Mệnh giá vé bị lẻ, không thể trả lại tiền thừa cho khách; mức giảm thuế GTGT cho 1 lượt khách không đáng kể.

Sau đó 1 tháng, Công ty Cổ phần Phà An Giang gửi tờ trình đến UBND tỉnh, đề nghị xem xét 2 phương án. Thứ nhất, giữ nguyên mệnh giá vé đối với các loại vé mức giảm thuế suất GTGT dưới 1.000 đồng. Hàng tháng, công ty thống kê, ghi nhận và quản lý số tiền giảm thuế (2%); cuối năm xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thứ hai, giảm giá vé tương ứng với số giảm thuế suất thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP đối với các loại vé mức giảm thuế GTGT từ 1.000 đồng trở lên.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh phối hợp các ngành liên quan, thảo luận, tìm hướng xử lý phù hợp. Các ngành chức năng cho rằng, phương án 2 chưa đúng theo quy định của chính sách giảm thuế, nên thống nhất trình UBND tỉnh phương án 1: Công ty Cổ phần Phà An Giang phải giảm giá vé cho khách theo mức quy định. Ngày 25/3/2022, UBND tỉnh thống nhất cách làm này.

Theo Công ty Cổ phần Phà An Giang, bắt đầu từ ngày 1/4/2022, công ty triển khai điều chỉnh giá vé theo mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Theo đó, đối với mệnh giá vé được giảm nhỏ lẻ thì trả lại tiền thừa cho khách bằng sản phẩm hoặc hàng hóa tương đương. Trường hợp trả bằng tiền thì công ty làm tròn 500 đồng hoặc 1.000 đồng để trả lại khách. Thực tế, không đổi tiền mệnh giá 500 đồng được, công ty áp dụng thối trả bằng tiền đối với trường hợp mệnh giá 1.000 đồng.

“Giá vé xe gắn máy là 6.000 đồng, giá sau khi áp dụng giảm thuế còn 5.891 đồng, giảm thuế 109 đồng. Tương tự, giá vé sau giảm thuế của xe thô sơ, ba gác là 6.873 đồng; xe ôtô dưới 7 chỗ là 24.546 đồng... rất khó trả tiền thừa. Đối với việc thối trả bằng kẹo, hành khách nhận hay không nhận thì chúng tôi vẫn kê nộp toàn bộ số tiền chênh lệch giảm thuế. Khoản tiền này sau khi kết thúc ca làm việc đều được thống kê, theo dõi, báo cáo hàng kỳ và hạch toán theo quy định. Kết thúc năm 2022, khoản tiền chênh lệch thu được hơn 2 tỷ đồng, được hạch toán đầy đủ, thể hiện rõ trong báo cáo tài chính; được kiểm toán, báo cáo, quyết toán thuế” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phà An Giang Trần Quốc Long thông tin.

Tiếp tục giải bài toán số lẻ

Bài toán cũ giải chưa xong, việc bán vé qua phà tiếp tục gặp vướng mắc tương tự, khi áp dụng Nghị định 44/2023/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 của Chính phủ. Ngày 29/6/2023, công ty đề xuất UBND tỉnh xem xét thực hiện theo phương án như đã thực hiện trong năm 2022, được chấp thuận. Bắt đầu từ ngày 1/7/2023 đến nay, công ty giảm giá vé cho hành khách theo mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT với phương án tương tự năm 2022. Đến ngày 31/8/2023, khoản tiền chênh lệch được kê nộp, theo dõi hơn 475 triệu đồng.

Đứng trước một số luồng dư luận đặt ra rằng tỉnh An Giang, Đồng Tháp “bị thu tiền vé qua phà cao hơn quy định”, “bị thu dư hàng tỷ đồng”, “không áp dụng phương án có lợi nhất cho khách”, ông Trần Quốc Long khẳng định: “Chúng tôi thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo quy định. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động, thực tế phát sinh vấn đề bất cập. Hướng tới, công ty sẽ làm việc với các ngành chức năng để nghiên cứu, đề xuất phương án giảm thuế phù hợp thực tiễn hơn. Trước mắt, công ty tiếp tục giảm thuế theo đúng chủ trương, số tiền chênh lệch được kê nộp, theo dõi đầy đủ; báo cáo cuối năm và thực hiện theo hướng dẫn của ngành chức năng, quy định hiện hành”.

Bà Trần Phương Nhi (hành khách ở huyện Châu Thành) chia sẻ: “Chính sách giảm thuế của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực (kể cả vé phà) giúp người dân bớt khó khăn sau đại dịch COVID-19, đây là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những người ít khi đi phà như tôi không quan tâm lắm đến số tiền này. Người thường xuyên qua phà đã mua vé tháng, số tiền được giảm nhiều hơn, không gặp bất tiện. Còn đối với hành khách có nhu cầu đi qua phà vài lần trong tháng, công ty có thể phát hành vé linh hoạt, 5 - 10 lượt qua phà/vé. Đi lượt nào thì nhân viên soát vé đánh dấu vào, đến khi hết lượt thì thôi”.

Thiết nghĩ, câu chuyện tiền lẻ này hoàn toàn có thể giải quyết thỏa đáng, nếu nhìn nhận theo hướng nhân văn từ chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ. Người dân sẽ chẳng khắt khe gì với số tiền lẻ này. Cái họ cần là quá trình thực hiện minh bạch, hợp lý, tiện lợi cho các bên.

AN KHANG