Xuất khẩu gạo dự báo vẫn có dư địa tăng cao trong năm 2024.
Nhu cầu thị trường tăng cao
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) gần đây đã thông báo mở thầu quốc tế mua 300.000 tấn gạo. Indonesia là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện quốc gia này đang trải qua 9 tháng liên tiếp bị thiếu hụt gạo do sản xuất trong nước thấp hơn so với nhu cầu, đẩy giá gạo bán lẻ gạo phẩm cấp cao trong nước lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg. Vì vậy, Chính phủ Indonesia cho phép tăng nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá gạo trong nước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay. Như vậy, tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo.
Tính đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024, một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo, đẩy giá trong nước tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Việc Indonesia thông báo mở thầu được cho là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo lọt vào Top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt hơn tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Tiếp theo thành công của năm 2023, xuất khẩu gạo được đánh giá là vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2024. Về thị trường, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta, 10% từ Thái Lan và còn lại là các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Vì là nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines, nên Việt Nam có nhiều lợi thế tại quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng.
Bên cạnh đó, gạo của Việt Nam có chất lượng, phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, giá cả cạnh tranh. Nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định, cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines không có, như Ấn Độ, Pakistan.
Chú trọng chất lượng gạo xuất khẩu.
Ông Phùng Văn Thành dự báo, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Về thách thức trong năm 2024, thách thức của gạo Việt Nam vẫn đến từ sự cạnh tranh giữa các nguồn cung gạo trên thế giới, đặc biệt là gạo từ Thái Lan. Bên cạnh đó, việc nhu cầu gạo tăng cao có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp không duy trì được chất lượng gạo, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, nguy cơ từ tình hình biến đổi khí hậu khiến nhiều thị trường tìm cách đa dạng hoá nguồn cung cũng như nỗ lực tự đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, thị trường xuất khẩu gạo hiện vẫn chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…
Bên cạnh đó, tình hình thị trường thương mại gạo diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường. Các thương nhân gạo Việt Nam chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Về thị trường, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Indonesia, tuy nhiên chủ trương tự bảo đảm an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao, trong khi nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét.
“Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại gạo, đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam, thông qua việc sử dụng nhiều kênh và nhiều hình thức quảng bá xúc tiến khác”, ông Phạm Thế Cường chia sẻ.
Ông Phùng Văn Thành khuyến nghị thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam để đa dạng thị trường cho hạt gạo.
Tại Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết có sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường này. Hiện nay các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao, bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì. Đáng chú ý bao bì gạo của Thái Lan, Lào có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc (thậm chí cả hệ thống siêu thị khu vực phía bắc Trung Quốc - khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì) được đóng gói hết sức chắc chắn, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là điều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cần quan tâm.
Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Do đó, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024 khoảng 6,5 triệu tấn.
Theo HÀ ANH (Báo Nhân Dân)