Theo Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã và đang hướng tới nền tài chính công khai, minh bạch, bền vững, vì đây là yếu tố quan trọng không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, có sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư mà còn quyết định đến sự thành công trong phát triển kinh tế ổn định, bền vững của Việt Nam.
Báo cáo khảo sát của Ngân hàng Thế giới mới nhất cho thấy, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 68 trong tổng số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ về “sự thuận tiện trong kinh doanh”. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, diễn ra chiều 11-1, tại Hà Nội.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục cần phải được cải thiện, trong đó có vấn đề đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, và sự thuận tiện của thương mại xuyên biên giới…
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế đánh giá có sự cải thiện vượt bậc khi so sánh với Trung Quốc trong cùng kỳ. Nếu như vào năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị tụt hậu 6 bậc xếp hạng so với Trung Quốc, thì đến năm 2017 Việt Nam vượt qua Trung Quốc tới 10 bậc xếp hạng.
Để tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, Chính phủ cần chủ động nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán, có sự tham vấn cộng đồng và có trách nhiệm giải trình cao.
“Cần ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào cải thiện mục tiêu khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản doanh nghiệp của Việt Nam ngay từ đầu năm 2018. Điều này không chỉ rút ngắn khoảng cách tụt hậu quá xa của Việt Nam so với ASEAN-4 mà quan trọng hơn là góp phần khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đề xuất.
Trên cơ sở xác định được tọa độ của Việt Nam trong cuộc cách mạng số cũng như việc tổng kết kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất kế hoạch hành động phù hợp để giúp các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân phát huy tối đa tiềm năng của mình trong kỷ nguyên số nhằm giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến./.
Theo NGUYỄN QUỲNH (VOV)