Cẩn thận cháy, nổ mùa nắng nóng

06/04/2023 - 05:34

 - Khoảng 1 tháng nay, các địa phương trong tỉnh An Giang bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, nền nhiệt cao, thời tiết hanh khô, kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu, khí đốt và điện tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy, nổ gia tăng.

Ý thức phòng cháy chưa cao

Từ cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận nhiều vụ cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình, khoảng 17 giờ 15 phút, ngày 6/3, tại 2 căn nhà của ông Nguyễn Văn S. (sinh năm 1965) và bà Lâm Thị L. (sinh năm 1961), cùng ngụ tổ 8, khóm An Hưng, thị trấn An Phú (huyện An Phú) xảy ra hỏa hoạn. Hai căn nhà xây dựng bằng khung gỗ, lợp mái tole bị lửa thiêu rụi. Trong 1 căn nhà phát hiện 1 người tử vong. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định khoảng 20 phút trước khi xảy ra cháy, chị ruột của ông S. qua chăm nom và đốt nhang muỗi đặt chỗ ông S. đang nằm (ông S. bị bệnh tai biến)...

Trước đó, khoảng 22 giờ 40 phút, ngày 23/2, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở khu vực khóm Thanh Niên, thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), làm 3 căn nhà cấp 4 bị cháy hoàn toàn và nhiều xe gắn máy bị thiêu rụi.

Gần đây, khoảng 10 giờ, ngày 19/3, kho chứa rơm của hộ gia đình ông Đ.V. U. (sinh năm 1977, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) bị cháy. Sau 4 giờ chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại tài sản khoảng 40 triệu đồng (cháy 800 cuộn rơm, 1 nhà kho khoảng 30m2). Nguyên nhân cháy được xác định, do quá trình sinh hoạt bất cẩn của người trong gia đình ông U.

Cũng tại huyện Tri Tôn, khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 10/3, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia phối hợp dân quân, Công an xã Vĩnh Gia tổ chức chữa cháy tại khu vực rừng tràm của ông N.A.B. (sinh năm 1982). Sau gần 6 giờ lực lượng chức năng và nhân dân phối hợp chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tài sản thiệt hại trị giá khoảng 70 triệu đồng, gồm: 2,5ha tràm và 50 cây dừa...

Theo Công an tỉnh An Giang, qua điều tra, hầu hết các vụ cháy xảy ra, nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa cao.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC, Công an tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo các cấp, ngành và toàn dân tích cực tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cháy, nổ tại cơ sở.

Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khả năng sẵn sàng ứng phó các tình huống cháy, nổ của lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm huy động nhanh nhất lực lượng để chớp “thời điểm vàng” 5 - 7 phút đầu khi xảy ra cháy

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm và ý thức tự giác của nhân dân trong công tác PCCC; nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra...

Đoàn kiểm tra tỉnh kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn TP. Châu Đốc

Riêng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chủ động phối hợp các phòng nghiệp vụ và Công an 11 huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tranh thủ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC.

Thành lập các đoàn kiểm tra theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp quản lý, tập trung kiểm tra việc lập hồ sơ theo dõi công tác quản lý các hoạt động PCCC và việc sắp xếp, bố trí tạo khoảng cách, hành lang an toàn PCCC; kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn nước, hệ thống đường điện, các phương tiện chữa cháy tại chỗ, lối thoát nạn khi có tình huống cháy xảy ra... Từ đó, phát hiện các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và hướng dẫn biện pháp khắc phục; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, kéo theo các loại hình thiên tai (nắng nóng, hạn hán...) ngày càng cực đoan và khó lường, thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặt khác, với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nhà cao tầng, khu vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất - kinh doanh hàng hóa... được xây dựng và hoạt động, cộng thêm nhu cầu sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân tăng cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy và giảm thiệt hại do cháy gây ra, Chủ tich UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, với mục tiêu: Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan, lực lượng chức năng nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền kiến thức PCCC và cứu nạn, cứu hộ phù hợp từng đối tượng. Xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn PCCC theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các cụm dân cư, các khu công nghiệp...

Để hạn chế các vụ cháy, nổ, điều quan trọng nhất chính là mỗi gia đình, người dân cần nêu cao ý thức cẩn trọng trong việc sử dụng điện, nguồn nhiệt an toàn, trang bị kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy, nổ. Đây là những điều kiện cần thiết để cùng lực lượng PCCC ngăn ngừa cháy, nổ xảy ra.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích