Cẩn trọng khi mua, bán bất động sản online

30/09/2021 - 03:42

 - Thời buổi công nghệ hiện đại, bất cứ món hàng nào cũng có thể được rao bán trên mạng Internet, từ món đồ nhỏ xíu như gói mì, chai nước, đến những thứ có giá trị cao, khó nắm bắt như bất động sản (BĐS). Không thể phủ nhận, đây là thị trường sôi động, rộng mở, nhiều tiềm năng, mọi giao dịch dường như đơn giản, gọn nhẹ hơn rất nhiều. Nhưng, chuyện gì cũng có 2 mặt…

Có thể tìm hiểu thông tin trên website Sở Xây dựng

Ông N.V.N vào một trang mua, bán nhà, đất ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), phát hiện có thửa đất cùng căn nhà tạm, được kêu bán với giá 2,1 tỷ đồng ngay tại trung tâm thành phố. Ông thấy vị trí đất, giá cả phù hợp với nhu cầu (vừa cho con học, vừa có nơi mua bán), khi so sánh thị trường hiện tại, giá này thấp hơn thực tế khoảng 20%.

Sau khi trao đổi, ông N. cùng chủ đất (L.V.H, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thống nhất giá 1,8 tỷ đồng. Tin tưởng bên bán cam kết “đất không bị quy hoạch, tài sản không bị kê biên để thi hành án án dân sự”, ông N. chuyển trả trước 500 triệu đồng. Số tiền còn lại được thanh toán khi nào 2 bên lập hợp đồng tại văn phòng công chứng.

  Đến ngày hẹn, họ đến văn phòng công chứng để chứng nhận, xác lập hợp đồng chuyển nhượng. Lúc này, công chứng viên thông báo: tài sản bị cấm chuyển dịch do cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thi hành quyết định của tòa án. Như vậy, việc giao dịch BĐS giữa ông N.V.N và L.V.H phải dừng lại. Quan trọng hơn, ông còn đối mặt với rủi ro cao liên quan đến 500 triệu đồng đã trả trước.

Giám đốc Sở Xây dựng An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy khuyến cáo: “Hiện nay, rất nhiều thông tin rao bán BĐS trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp BĐS chưa có giấy phép xây dựng, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn được đăng tải thông tin mua bán rầm rộ”.

Để tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đăng tải công khai thông tin, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; quy định về điều kiện mở bán, huy động vốn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong giao dịch BĐS tại trang web: http://soxaydung.angiang.gov.vn. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà, đất có thể tìm hiểu thông tin trước khi giao dịch. Trường hợp cần tìm hiểu thông tin về dự án BĐS, có thể gửi văn bản đề nghị đến Sở Xây dựng An Giang (số 99, đường Trần Quang Diệu, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) để được hỗ trợ, cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng mong muốn UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân được biết: chỉ nên giao dịch mua bán nhà, lô nền của dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư đã có đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh theo quy định. Địa phương cần khuyến cáo tổ chức, cá nhân tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, thông tin, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án, chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS… hỗ trợ thông tin dự án đang đầu tư xây dựng tại địa phương cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

Đối với việc thực hiện mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền dự án, phải tham khảo đầy đủ quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch, cảnh giác về hành vi mua bán không lành mạnh, tung tin đẩy giá BĐS, thông tin sai sự thật… để tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế có thể xảy ra khi tiến hành giao dịch. Địa phương cũng nên tăng cường công tác quản lý việc mở bán của chủ đầu tư dự án BĐS tại địa phương; theo dõi, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo quy định trường hợp thông tin rao bán, đặt cọc đất nền tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn khi chưa đủ điều kiện mở bán.

Riêng về lĩnh vực giao dịch BĐS online, luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, giao dịch này vừa thuận lợi, nhanh chóng, vừa rút ngắn về không gian và thời gian. Các bên giao dịch không nhất thiết phải gặp nhau, nhất là trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm, việc đi lại khá trở ngại do giãn cách xã hội. Nhưng cũng chính việc không thể trực tiếp gặp nhau (để xác lập ý chí một cách rõ ràng, cụ thể, ràng buộc trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự), nên khi có bất kỳ sự kiện nào xảy ra cũng gây thiệt hại cho bên còn lại.

“Giao dịch thương mại điện tử đã có chế định pháp lý điều chỉnh (hình thức trao đổi, nội dung thỏa thuận, phương thức xác lập hợp đồng mua bán). Tuy nhiên, BĐS có nhiều đặc thù riêng nên cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch phải thẩm tra kỹ trước khi giao dịch. Cụ thể, về chủ thể giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch (rà soát đất có bị quy hoạch, bị tranh chấp hay không), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà có bị làm giả, giấy chứng nhận thuộc diện bị thu hồi nhưng chưa thu hồi được…

Trừ sàn giao dịch BĐS đối với các dự án, nếu có xảy ra bất kỳ sự kiện pháp lý nào, thường người bị ảnh hưởng nhiều lại là bên nhận chuyển nhượng. Tốt nhất, khi giao dịch BĐS online, các bên chỉ trao đổi, thương lượng trước về: diện tích sử dụng, vị trí đất, giá cả, giấy tờ về BĐS… và hẹn nhau thời điểm trực tiếp đến cơ quan, tổ chức tiến hành giao dịch theo quy định pháp luật” - luật sư Phước khuyến cáo.

VẠN LỘC

Các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh BĐS sẽ bị xử phạt theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, ngày 27-11-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở.